Nhìn màu cây lúa biết bệnh gì
Ông Đặng Văn Đậu, vui vẻ chia sẻ: Tính đến đời con ông thì gia đình ông đã bốn đời làm nông dân (ông nội, cha, ông Đậu và các con), ông rất tự hào và hãnh diện vì được mọi người trong vùng gọi mình là “tỉ phú nông dân”. Ông nhớ lại, lúc ông học xong lớp 7 trường làng thì ông nghỉ học phụ cha mẹ làm ruộng và làm nấm rơm. Lớn lên lập gia đình ra riêng ông được cha mẹ cho 2,3ha đất ruộng. Học cách làm giàu từ cây lúa của cha mẹ, ngay sau khi ra riêng vợ chồng ông đã lên kế hoạch cứ làm ruộng tích cóp vài năm là thuê thêm đất mở rộng diện tích canh tác một lần. Nhờ có kinh nghiệm, tính toán tỉ mẩn từ cách làm đất, gieo xạ, bón phân mà lúa ông năm nào cũng trúng và kế hoạch mở rộng diện tích trồng lúa của ông cũng được thực hiện thành công.
Tính đến nay gia đình ông Đậu đang canh tác 13ha đất (trong đó 2,3ha đất gia đình, còn lại thuê đất làm). Ông Đậu nhẩm tính, cứ trung bình mỗi công tầm nhỏ, sau khi trừ chi phí phân thuốc, nhân công, lúc lúa trúng, có gía cao (giá 4.800-4.900 đồng/ kg), ông lãi 3-4 triệu đồng. Và cứ thế mỗi năm từ 3 vụ lúa ông lãi chắc vài trăm triệu đồng. Từ năm 2012 đến nay, học tập kinh nghiệm trồng lúa giống để bán bao tiêu cho công ty, nên cứ 1kg lúa giống ông bán cao hơn lúa thường từ 500-700 đồng.
Với hơn 40 năm kinh nghiệm trồng lúa, ông Đậu có thể nhìn màu lúa để "bắt bệnh"
Gần cả đời trồng lúa ông Đậu đúc kết ra được cho mình nhiều kinh nghiệm mà nhiều kỹ sư trẻ cũng phải nễ phục. Đó là ông Đậu có thể nhìn màu cây lúa biết lúa đang bị bệnh gì, thiếu chất gì và cứ thế mà bón phân, thuốc đúng lúc, đúng loại. Nên tuy làm hàng chục ha lúa nhưng cứ mỗi ngày hai bận ông đi dọc bờ đê kiểm tra, nhìn màu lúa để “bắt bệnh”, rồi bón phân, thuốc nên hầu như lúa ông ít khi bị sâu bệnh nặng, hay thất mùa những hộ khác.
Ông Đậu chia sẻ: “Ngoài học kinh nghiệm từ cha, rút tỉa kinh nghiệm từ bản thân trực tiếp làm, tôi còn tranh thủ đi tham quan học hỏi kinh nghiệm khắp nơi khi có cơ hội. Bên cạnh tôi không bỏ qua khóa tập huấn lớn nhỏ nào của địa phương, không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc, kiến thức không bao giờ phí, cứ đụng việc là vận dụng được ngay. Có lẽ chính nhờ vậy mà lúa tôi ít khi nào thất mùa!”.
“Tui giàu là nhờ nấm rơm!”
Làm hàng trăm công ruộng, mỗi năm thu vài trăm triệu đồng nhưng đó không phải là thu nhập chính của gia đình ông Đậu, mà theo ông: ông giàu là nhờ làm nấm rơm. Song song với làm ruộng, thì nghề chất nấm rơ cũng là nghề truyền thống của gia đình ông mấy chục năm nay. Cứ mỗi tháng ông chất 2 đợt rơm trên diện tích 1.000m2 đất, xoay vòng liên tục quanh năm, cao điểm mùa tết ông chất 1.500m2 đất. Chính vì vậy gia đình ông có nấm hái bán mỗi ngày, trung bình ngày bán 200kg nấm, với giá từ 50-100 nghìn/kg (tùy mùa).
Nói về kinh nghiệm trồng nấm rơm làm giàu, ông Đậu chân tình chia sẻ: “Chất nấm rơm không khó, chỉ cần nắm ít kỹ thuật cộng tưới tiêu là làm được. Tuy vậy, làm nấm rơm trước tiên phải kiên trì, cứ vụ này giá thấp thì nhất định vụ sau giá sẽ rất cao, nên khi làm lâu dài mình chấp nhận vụ lời nhiều vụ lời ít, chứ thấy lời ít nghỉ là thua. Còn gia đình tui thuận lợi hơn người khác là có ghe tự đi mua rơm, lựa chọn được rơm tốt, mới, nên chất trúng hơn, thời gian hái nấm dài hơn, nên thu lợi nhiều hơn”. Ngoài chở rơm cho gia đình tự chất nấm, ông còn thuê 6 nhân công chở rơm thuê, mỗi ghe rơm 10 tấn, giá 20 triệu đồng, tháng nào ông cũng chở từ 5-7 ghe.
Gần 40 năm trồng lúa, chất nấm rơm nên mọi thứ với ông đã ổn định, tất cả ông đều thuê nhân công làm, ông và các con quản lý, trông coi. Mỗi ngày gia đình ông thuê lao động thời vụ làm lúa, hái nấm, chở rơm trên 30 người. Chính vì công việc đã vào nề nếp nên ông cảm thấy mình còn thời gian rảnh, học được kỹ thuật nuôi ếch, ông thí nghiệm tự ép giống nuôi. Riêng về nuôi ếch 5 năm nay, mỗi năm ông thu từ 2-3 tấn ếch thịt.
Ngoài làm lúa giống và chất nấm rơm thu tiền tỉ, ông Đậu còn nuôi ếch thịt thu nhập cả trăm triệu/năm
“Làm nông dân quen rồi, ở không tui chịu không được nên dù biết có nhân công làm, có các con trông coi nhưng hàng ngày tui phải trực tiếp ra thăm đồng 2 lượt sáng chìu. Nấm rơm thì chỉ thuê người hái, còn chất rơm và tưới là tui và các con trực tiếp làm, vì khâu đó càn có kỹ thuật riêng”- ông Đậu nói.
Ông đặng Văn Dũng- Phó Chủ tịch Hội nông dân quận Thốt Nốt, nhận xét: Mô hình của ông Đặng Văn Đậu là 1 trong 5 mô hình tiêu biểu của quận. Riêng về bản thân ông Đậu là một người chăm chỉ, chịu khó học hỏi để áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc canh tác nên mô hình lúa giống- nấm rơm- ếch thịt của ông luôn thành công. Ngoài giỏi sản xuất kinh doanh trong gia đình ông còn tích cực tham gia hoạt động của Hội, hiện ông là chi hội trưởng nông dân khu vực Tân Lợi 2.
Chi hội ông Đậu nhiều năm liền 100% hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi từ cơ sở trở lên. Bên cạnh đó, ông Đậu còn tích cực tham gia hoạt động xã hội như: đóng góp xây cầu, làm đường…Từ đó nhiều năm liền ông được xét công nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp quận và 7 năm liền đạt danh hiệu cấp thành phố, gần đây nhất ông được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương giai đoạn 2012-2016 và đề cử xét danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương năm 2017.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn