Tuy nhiên, cá chỉ lạ với thực khách miền Nam chứ với dân sành ăn đất Bắc thì cá chép giòn có từ vài năm trước, được nuôi nhiều ở Hải Dương. Có điều cá không có nhiều để “Nam tiến” nên thực khách phía Nam ít biết. Sở dĩ gần đây xuất hiện nhiều trong các nhà hàng tại TP.HCM là bởi cá chép giòn đã được nuôi tại An Giang.
Sự độc đáo của cá chép giòn cũng đã được người Việt giải mã, đó chẳng phải là do giống mà chính thức ăn của cá tạo nên. Thức ăn ấy chính là đậu tằm có xuất xứ từ Nga. Thời kỳ đầu những người nuôi cá chép giòn phải nhập đậu tằm từ Nga, sau chuyển sang mua của Trung Quốc với giá rẻ hơn nhiều. Riêng với ông Phạm Đăng Thập ở phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên (An Giang) thì tiến bộ hơn là tạo ra nguồn đậu tằm được trồng trong nước tại Bảo Lộc (Lâm Đồng).
“Nội địa hóa” cá giòn
Thị trường TP.HCM ưa chuộng Cá chép giòn này được bà Phạm Thị Loan, một thương lái, đứng ra độc quyền bao tiêu để cung cấp ở TP.HCM, một số nhà hàng, quán ăn tại An Giang, Vĩnh Long thường đặt mua để chế biến những món ăn đặc sản. “Cá giòn từ giống chép vàng ở miền Tây có thịt dẻ chắc, thơm ngon hơn, phần cung đường vận chuyển ngắn, đảm bảo còn tươi sống nên rất có ưu thế cạnh tranh với cá giòn từ miền Bắc đưa vào. Cá được chế biến thành nhiều món ăn khoái khẩu, được coi là “độc chiêu” ở một số nhà hàng. Thị trường TP.HCM rất ưa chuộng, hiện không đủ cung ứng” - bà Loan cho biết. |
Chúng tôi đến trang trại nuôi cá chép giòn của ông Thập vào một ngày giữa tháng 7-2014. Lúc này cá ở trang trại của ông Thập đang vào kỳ thu hoạch, mỗi tuần thương lái từ TP.HCM xuống tận nơi mua gần cả tấn cá, nhiều quán ăn đặc sản trong tỉnh liên tục đặt hàng với giá 250.000 đồng/kg. Bình quân mỗi năm gia đình ông bán được 50 tấn cá chép giòn, đạt lợi nhuận hàng tỉ đồng.
Ông Thập kể trước đây mình từng nuôi cá, ếch, ba ba... và thứ nào cũng chỉ phát triển được một thời gian ngắn rồi gặp cảnh rớt giá do nhiều người đổ xô nuôi ồ ạt. Muốn thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó, ông cố tìm tòi hướng đi với loài vật nuôi riêng. Tình cờ biết vài nơi ở miền Bắc nuôi loại cá chép, cá trắm giòn rất được thị trường ưa chuộng và luôn bán được giá cao, ông liền lặn lội ra tận ngoài ấy tìm hiểu, học hỏi. May mắn ông gặp lại người bạn đang công tác ở ĐH Nông nghiệp Hà Nội từng thành công với mô hình nuôi cá giòn. Người bạn tận tình hướng dẫn kỹ thuật, đồng thời tặng ông cuốn luận văn thạc sĩ về đề tài này để tham khảo, nghiên cứu. Với mớ kiến thức đó, ông tiếp tục xuống các vùng nuôi ở Hải Dương, Hà Nội nắm thêm thực tế rồi trở về An Giang nuôi thử nghiệm.
Ở ngoài Bắc thường nuôi giống cá chép đen có nguồn gốc nhập từ Nga hoặc Hungary bởi chúng chịu được thời tiết lạnh giá. Thấy giá cá giống ngoại nhập cao, rồi còn phải vận chuyển đường xa mất nhiều thời gian và tốn kém, ông cứ trăn trở: “Ở trong này nắng ấm quanh năm sao lại không sử dụng loài cá chép bản địa?”. Thế rồi ông mày mò nuôi thử với loài cá chép vàng sẵn có của miền Tây, kết quả cho ra sản phẩm thịt giòn chắc, ngon và ngọt không kém. “Sau vài đợt nuôi thấy khả quan, từ năm 2012 tôi quyết định chọn loài cá chép ở địa phương cho sinh sản tạo giống để nuôi thành cá chép giòn” - ông Thập kể.
Thức ăn cho cá chủ yếu bằng đậu tằm nhập khẩu, nếu vận chuyển về tới An Giang giá thành lên tới 25.000 đồng/kg. Muốn chủ động nguồn thức ăn có giá rẻ hơn, ông lại tìm đọc đủ thứ tài liệu về cây đậu tằm, trong đó có bài viết của nguyên phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn rồi cho trồng thử ở vài nơi. Cuối cùng ông quyết định lên tận Bảo Lộc (Lâm Đồng) thuê đất dài hạn và thuê người trồng cây đậu tằm để cung cấp cho mình. “Giá thành đậu tằm trồng ở Bảo Lộc chừng 14.000-15.000 đồng/kg, và tôi cho ăn giặm thêm bắp đỏ khoảng 4.000 đồng/kg, nhờ vậy chi phí nuôi cá giòn được kéo xuống chỉ còn 100.000 đồng/kg cá” - ông Thập chia sẻ.
Ông Thập (phải) với những con cá chép giòn vàng ươm - Ảnh: Đức Vịnh |
TTO |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn