Ông Trần Bài (56 tuổi), ở thôn Phú Sơn Tây cho biết, ông có 8.000m2 mặt nước nuôi cá, trong đó 6.000m2 ông thả các loại cá rô phi, chim trắng, basa… còn lại ông thả 2 ao nuôi cá trê lai. Chỉ riêng với 2 ao trê lai, mỗi năm ông lãi 200 triệu đồng. “Mô hình nuôi cá trê lai hiệu quả nên bà con phấn khởi lắm, chưa khi nào bà con nuôi cá có thu nhập năng suất cao như vậy, ai cũng phấn khởi và mạnh dạn đầu tư nuôi tiếp” - ông Bài nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Mười - Chủ tịch Hội ND xã Hòa Khương cho biết, trước đây trên địa bàn xã có 1-2 hộ nuôi cá tự phát. Sau đó, có hộ dân thử nuôi cá trê lai và thấy đạt hiệu quả cao. Từ đó, Hội ND xã phối hợp với Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm thành phố tập huấn kỹ thuật nuôi, tìm nguồn giống để bà con nuôi. Đến nay, toàn xã đã có 50 hộ nuôi cá trê lai, năng suất đạt 400-500 tấn/năm, bình quân mỗi hộ thu nhập trên 100 triệu đồng.
“Hiện xã đã thành lập tổ hợp tác sản xuất và dịch vụ cá trê lai, gồm 17 thành viên. Nhiều người đã mua ô tô tải để mua cá của bà con trong xã rồi vận chuyển đi tiêu thụ. Nhờ vậy, đầu ra cá trê lai của bà con rất ổn định” - ông Mười cho biết.
Ông Đinh Ngọc Thiên - Chủ tịch UBND xã Hòa Khương cho biết, cả xã hiện có 60ha nuôi cá nước ngọt, trong đó khoảng 15ha nuôi trê lai thâm canh. “Diện tích này sẽ tăng thêm 20ha trong năm 2014 này. Hiện xã đang thành lập mô hình nuôi cá nước ngọt tập trung chuyên canh. Xã đầu tư 1 tỷ đồng để làm đường giao thông tạo điều kiện để nông dân vận chuyển được thuận lợi hơn”.
Theo Báo An Giang Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn