Nai dễ nuôi, chúng ăn bất cứ thứ gì như lá cây, rau cỏ, trái cây nên chi phí đầu tư rất thấp
“Chi phí thấp bởi thức ăn chỉ là lá cây rừng, trong khi sản phẩm từ nai và hươu sao rất giá trị. Con nai đực mỗi năm có thể cho 2,5 kg gạc, trị giá 35 - 40 triệu đồng”, anh Nguyễn Như Tiến ở tổ 19 phường Hòa Hiệp Bắc(quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho biết sau gần 3 năm nuôi loài vật này. Đầu năm 2012, anh Tiến mạnh dạn đầu tư 100 triệu đồng mua 3 con nai (2 cái, 1 đực) về nuôi. Lúc đó nuôi loài vật "lạ hoắc" này anh cũng lo lắm, bởi ở Đà Nẵng chưa ai nuôi. Và đến nay, anh cũng là người duy nhất ở Đà Nẵng nuôi nai và hươu sao với tổng đàn 10 con. “Thực ra nuôi nai, hươu sao không khó. Thức ăn cho chúng là lá cây rừng rất phổ biến, chỉ tốn công đi lấy. Trong khi lợi ích kinh tế không hề nhỏ. Con nai cái hơn năm tuổi, bán ra với giá 15 - 17 triệu đồng. Con đực, mỗi năm cắt gạc 2 lần, cho 2,5 kg. Từ ngày đưa 3 con về nuôi, đến nay đã xuất bán 2 con và 6 lần cắt gạc nai đực”, anh Tiến cho hay. Chuồng nhốt nai khá đơn sơ, trên lợp tôn, nền tráng xi măng, xung quanh chăng kín lưới B40. Cả 3 con nai màu nâu nhạt, lông bóng mượt. Con đực cỡ 5 - 6 tuổi ước chừng 200 kg. Mở cửa chuồng, anh Tiến vào tận nơi vuốt ve từng con và cho biết chính anh đã đỡ đẻ cho nai con hơn năm trước. Nai nuôi chẳng khác gì nuôi bò. Ngày cho ăn 2 lần các loại lá cây rừng. Có điều, lá cho nai ăn không được để thấm nước. Những bữa trời mưa, cắt lá về phải để thật khô ráo mới cho ăn. Chuồng nhốt nai ấm về mùa đông, thoáng về mùa hè và luôn sạch sẽ. Ngoài lá rừng, thỉnh thoảng cần bổ sung thức ăn tinh gồm cám gạo, bột bắp… Không dừng lại ở việc nuôi 3 con nai, anh Tiến vừa đầu tư hơn 80 triệu đồng mua 7 con hươu sao từ Hà Tĩnh về. Đàn hươu 7 con cả lớn bé nhốt chung một chỗ. Hỏi anh, sao không làm chuồng bằng gỗ, nhốt riêng từng con, anh Tiến giải thích: "Nhốt từng con vào chuồng gỗ chúng ít vận động chậm phát triển. Tốt nhất là nhốt chung cả đàn trong chuồng rộng, chúng tha hồ chạy nhảy. Hơn nữa, nhốt chung chúng mới tranh nhau ăn. Đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm tôi mới nhận ra được điều này. Thực ra, trước đây người ta nuôi nhốt mỗi con một chuồng bằng gỗ. Hiện nay, ở đâu cũng nhốt nhiều con chung chuồng rộng, chăng lưới B40 chắc chắn". Hỏi về hiệu quả kinh tế, anh Tiến lạc quan: "Hươu mẹ 3 năm đẻ 2 lứa. Từ khi lọt lòng đến hơn 1 năm hươu đực cho gạc, còn hươu cái bán giống cỡ hơn 10 triệu đồng/con. Lợi nhuận từ đàn hươu khoảng 150 triệu đồng/năm, trong tầm tay". Khi thu hoạch nhung hay đến thời kỳ nai đẻ, cần nắm quy trình để xử lý. Thời điểm cắt nhung phải kiểm tra kỹ chuồng trại, cát lót dưới đất độ dày tới đâu, dụng cụ cắt nhung, rơm lót đầu nai… để khi giật nai xuống cắt nhung, tránh tình trạng nai bị thương dẫn đến chết. Ngoài nuôi nai, hươu sao, anh Tiến còn nuôi 2 con bò sinh sản, 200 cặp bồ câu Pháp, hơn 150 con gà rừng và thả hàng nghìn con cá lóc tại cái ao rộng chừng nửa sào. Trên khu đất mé đồi, một phần của khu vực 4 ha đất lâm nghiệp do chính quyền địa phương và cơ quan chức năng giao quản lý 50 năm (từ năm 2007), anh xây các khu chuồng trại và trồng hàng trăm cây ăn quả các loại. Tại địa phương hiện cũng có nhiều mô hình nuôi nai. Cụ thể thôn Ngọc Phước 2, xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa (Phú Yên) có anh Dương Văn Tâm nuôi 16 con nai, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Anh Tâm cho biết, nai rất thích ăn các loại trái cây, đặc biệt là chuối. Nai dễ nuôi, chúng ăn bất cứ thứ gì như lá cây, rau cỏ, trái cây nên chi phí đầu tư rất thấp. Để nai sinh trưởng, phát triển tốt anh thường cho nai ăn theo sở thích của chúng. Nhờ vậy đàn nai khỏe mạnh, cho nhung từ 2 - 4 kg/con/năm. Anh Tâm gắn bó với nghề nuôi nai trên 20 năm. Lúc khởi nghiệp chỉ 2 cặp giống, đến nay đàn nai luôn duy trì khoảng 16 con, trong đó 10 con đực và 6 con cái. Mỗi năm thu hoạch trên 10 kg nhung và bán 6 con nai giống cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Theo anh, nuôi nai không lo đầu ra vì nguồn cung hiện nay trên thị trường còn ít. Người muốn mua nhung thường phải đặt trước mấy tháng, thậm chí có lúc “cháy hàng”. Giá nhung hiện chỉ 4 - 6 triệu đ/kg thấp hơn trước kia 2 - 4 triệu đ/kg, nhưng người nuôi cũng có mức thu nhập khá. Đối với nai đực nên mua con giống lúc 6 tháng tuổi. Nai 2 năm tuổi có thể cho nhung, nếu chăm sóc tốt mỗi năm có thể cho nhung hai lần. Đối với nai cái, sau khi sinh từ 8 - 10 tháng tuổi sẽ chịu phối đực, mang thai và đẻ một con/lần và nuôi đến 4 tháng tuổi có thể bán giống. Anh Tâm chia sẻ, nuôi nai chỉ cần một khoảng đất không quá rộng, cao ráo để làm chuồng trại và trồng chừng 1 sào cỏ, rau muống và đầu tư vốn ban đầu 1 cặp giống. Trước khi nuôi cần tìm hiểu kinh nghiệm của những người đi trước cũng như về nguồn gốc, đặc tính của con nai đó để dễ chăm sóc....
Nguồn: nongnghiep.vn