Những ngày đầu mới lập gia đình, trên mảnh đất bố mẹ cho, vợ chồng anh Tú chỉ biết cấy lúa và chăn nuôi nhỏ lẻ, dù làm thêm nghề phụ nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn. Với ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo, vợ chồng anh bàn với nhau chọn hướng mở rộng chăn nuôi để cải thiện thu nhập. Ban đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên anh chị chỉ dám nuôi vài con lợn thịt. Trong quá trình chăn nuôi, nhận thấy để có lứa lợn khỏe mạnh, nhanh lớn, chất lượng thịt cao thì việc lựa chọn con giống rất quan trọng, vì vậy, anh tiếp tục đầu tư nuôi thêm lợn nái để vừa chủ động con giống, vừa đảm bảo chất lượng đàn lợn thịt.
Với 6 nái ngoại lai, trung bình mỗi con đẻ 2 lứa/năm, gia đình anh có đủ đàn lợn giống để nuôi thương phẩm. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, gia đình anh xuất bán 70 con lợn thịt, trừ chi phí, thu lãi hơn 40 triệu đồng.
Để tận dụng chất thải trong chăn nuôi, anh đầu tư xây dựng hầm khí sinh học biogas, vừa giải quyết được nhu cầu chất đốt của gia đình, vừa sử dụng nước thải để bón cho cây trồng. Với chu trình khép kín này, mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa của gia đình anh Tú không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao mà còn không làm ảnh hưởng đến môi trường.
Không chỉ nuôi lợn thịt, anh còn nuôi gà thả vườn theo hướng hàng hóa. Ban đầu anh chỉ nuôi một vài trăm con, sau thấy có lãi, quyết định mở rộng quy mô. Với 4 lứa gà/năm, mỗi lứa khoảng 1.000 con gà giống, chỉ tính riêng năm 2013, gia đình anh xuất chuồng hơn 3.000 con gà thịt, trung bình trọng lượng 2 kg/con, với giá bán bình quân 65.000 đồng/kg, trừ chi phí, thu lãi hơn 50 triệu đồng.
Do chăn nuôi theo quy trình khép kín, cộng với việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, chú trọng công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng nên đàn lợn, gà của gia đình anh luôn khỏe mạnh, ít gặp dịch bệnh nguy hiểm.
Để chủ động thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm, anh Tú liên hệ trực tiếp với các đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi trên địa bàn để được mua với giá gốc. Kết hợp giữa thức ăn công nghiệp với phụ phẩm từ nghề nấu rượu và làm đậu đã giúp gia đình anh tiết kiệm được chi phí chăn nuôi, lại đảm bảo chất lượng đàn lợn thịt.
Nhờ dám nghĩ, dám làm, năng động làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, gia đình anh Tú đã thoát nghèo, xây dựng được 1 ngôi nhà 2 tầng khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi, có điều kiện chăm lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn.
Năm 2013, TP. Yên Bái có 3.500 gia đình đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Xuất hiện nhiều mô hình trang trại, gia trại có thu nhập từ 300-400 triệu đồng/ năm như: chăn nuôi lợn theo hướng công nghệ cao với quy mô đàn 1.200 con của hộ bà Vũ Thanh Lâm, xã Nam Cường; trồng hoa đào của hộ ông Nguyễn Đức Huệ, xã Giới Phiên; VAC tổng hợp của hộ Phạm Văn Cầu, xã Văn Tiến; sản xuất kinh doanh nấm của hộ Nguyễn Văn Hương, xã Giới Phiên, hộ ông Nguyễn Thành Luân, xã Minh Bảo; nuôi ba ba của hộ Hà Tiến Hùng, phường Yên Ninh; nuôi lợn rừng của hộ Nguyễn Huy Tâm, xã Văn Phú; sản xuất gạch xây dựng của hộ Đỗ Mạnh Chi, xã Văn Tiến... |
Nguyễn Thị Minh Phượng
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn