Hiện một số giống cây nhập ngoại như lê Tai Nung 6, lê Đài Nông, hồng Fuju, lê BV1, đào Flora Pince... cũng tỏ ra thích nghi.
Vấn đề đặt ra là phát triển những giống cây ăn quả ôn đới đó như thế nào để trở thành sản phẩm hàng hoá mà không phải nhập khẩu hoa quả Trung Quốc...
Giống mận Tam Hoa có nguồn gốc từ Trung Quốc, năm 1972 được Trại Rau quả Bắc Hà (Lào Cai) di thực về trồng. Cây mận đã mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân, từ 50 gốc ban đầu đã mở rộng ra khắp vùng Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Bát Xát, Sa Pa... của tỉnh Lào Cai rồi lan rộng sang các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang... diện tích ước chừng cả chục nghìn ha.
Do giá bán cao, nên cây mận Tam Hoa không chỉ leo lên các sườn núi mà còn xuống các chân ruộng 1 vụ, biến 2 huyện vùng cao Bắc Hà, Si Ma Cai thành “cao nguyên trắng” khi mùa hoa tới, vùng trồng mận Tam Hoa lớn nhất khu vực miền núi phía Bắc.
Thời hoàng kim, 2 huyện này cung cấp ra thị trường chừng 20.000 - 22.000 tấn mận Tam Hoa, hàng ngàn hộ gia đình không chỉ thoát nghèo mà trở nên giàu có. Thị trấn Bắc Hà đổi thay một phần nhờ cây mận. Hiện các tỉnh miền núi phía Bắc đều trồng được mận Tam Hoa nên Bắc Hà không còn chiếm vị trí độc tôn. Song đây vẫn là nơi cung cấp một lượng lớn mận Tam Hoa cho cả nước.
Nhiều giống cây ăn quả ôn đới nhập ngoại như đào Pháp, táo Israel, lê Tai Nung 6, lê BV1, BV2... đã được di thực về trồng ở Lào Cai, Hà Giang gần hai chục năm nay, qua theo dõi những giống cây ăn quả đó đã tỏ ra thích nghi với điều kiện sinh thái.
Cán bộ trung tâm hướng dẫn cách tủ gốc giữ ẩm cho cây
Trung tâm Nghiên cứu & phát triển cây ôn đới (trung tâm) thuộc Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (Nomafsi) đặt tại Sa Pa (Lào Cai). Từ năm 2007 đến nay đã tập trung nghiên cứu tuyển chọn 20 giống lê, trong đó có 18 giống ngoại nhập và nguồn gốc ngoại: Đài Nông, Hoành Sơn, Kim Hoa, DL19, DL20, Thương Khê, Tai Nung, Tai Nung 6, Kim Xuyên, BV1, BV2... và hai giống địa phương, 10 giống đào, 6 giống mận.
Qua theo dõi, giống lê Tai Nung 6 do Trại rau quả Bắc Hà nhập từ Đài Loan đến nay đã được khẳng định, 2 giống lê BV1, BV2 được nhập từ Đài Loan về Ba Vì (Hà Nội) sau đó đưa lên Sa Pa từ năm 2006. Qua theo dõi 2 giống lê này phát triển tốt ở tiểu vùng khí hậu ôn đới và núi cao, ra hoa cuối tháng 2 đầu tháng 3, quả tròn màu nâu vàng, chín vào cuối tháng 6 đầu tháng 7, độ đậm 12 - 13%, độ ngọt 12 - 13%, thịt mềm, ăn có nhiều nước.
Gần chục năm theo dõi, 2 giống lê này không chỉ phù hợp với điều kiện thời tiết ở Sa Pa có độ cao từ 600 - 1.500m, năng suất cũng rất ổn định. Theo tính toán mỗi ha giống lê BV1 năng suất đạt 20 - 25 tấn/ha. Với giá bình quân bán tại vườn 20.000 đ/kg thì cho thu nhập 400 triệu đ/ha, trừ chi phí, công lao động... cho lãi ròng 150 - 180 triệu đ/ha. Đó là nguồn thu nhập lớn mà không cây gì sánh được ở vùng cao.
Cây lê BV1 một năm tuổi trồng trong đồi nhà anh Giàng A Sang
TS Nguyễn Văn Toàn, Viện trưởng Nomafsi: Với điều kiện đất đai, tiểu vùng khí hậu khu vực miền núi phía Bắc nhiều địa phương có thể phát triển những giống cây ăn quả ôn đới có giá trị và thu nhập cao cho người dân, không chỉ giúp họ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. |
Từ năm 2013, trung tâm đã chuyển giao cho người dân trồng 4 ha giống lê BV1 tại Ô Quý Hồ (Sa Pa), Giào San, Sìn Hồ, Giang Ma (Lai Châu). Tại Đồng Văn (Hà Giang), trung tâm đã chuyển giao 3 giống lê BV1, BV2, Tai Nung 6 cho người dân trồng 4 ha, đến nay cây đều phát triển tốt.
Sau khi tận mắt thấy sự phát triển của giống lê BV1, BV2, Tai Nung 6, tỉnh Lai Châu đã quyết định trồng 100 ha tại 2 huyện Sìn Hồ, Tam Đường vào năm 2015 nhằm tạo ra bước đột phá cho các địa phương này.
PV NNVN lên thôn Bãi Bằng mới được tách ra từ thôn Mào Phô, xã Giang Ma, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Đây là nơi cư trú của đồng bào Mông, ruộng ít chủ yếu cấy 1 vụ do rét và thiếu nước.
Anh Giàng A Sang cho biết: "Nhà mình mỗi năm thu được khoảng 50 bao thóc, 20 - 30 bao ngô. Thiếu ăn ít thôi, nhưng không có tiền tiêu. Năm ngoái mình nhận của trung tâm 50 gốc lê và đào về trồng thử, cây mọc gần bằng đầu mình rồi. Cán bộ bảo sang năm thì ra quả. Tốt quá, có quả được ăn lại được bán có tiền mua quần áo cho mấy đứa trẻ này...".
Tôi giật mình nhìn hai đứa trẻ nhà Giàng A Sang, quần áo rách tả tơi, lấm lem bùn đất, hình như hai đứa vừa lội ở ngoài ruộng về. Trong nhà Sang chả có thứ gì đáng giá, Sang loay hoay mãi mới tìm được mấy cái ghế ngồi. Khi đến nhà Mã A Dùng cách nhà Sang một đoạn mới biết, năm ngoái anh trai Dùng là Mã A Lử đã nhận 2 giống lê và đào của trung tâm về trồng ở nương chè, cây đã tốt ngang ngực.
Dùng bảo: "Nương nhà anh Lử trồng chè, nhưng cũng chỉ đủ tiền mua muối và mì chính thôi. Không có tiền mua quần áo, sách vở, ti vi... cho bọn trẻ, bực quá. Nay trồng cây lê trung tâm cho giống, nếu được thu hoạch thì phá bỏ cây chè đi...".
TS Nguyễn Văn Toàn
Năm 2014 người dân thôn Bãi Bằng có 50 hộ đăng ký trồng giống lê BV1 và đào Flora Pince (nhập khẩu từ Mỹ.) Đây là giống đào chín sớm vào dịp 30/4, quả có lông, ruột vàng, ăn ròn thơm ngọt. Giống đào này đã được trồng ở trung tâm, năng suất ước đạt 25 - 30 tấn/ha. Do chín sớm nên bán được giá 25.000 - 30.000 đ/kg, thương lái đến tận vườn mua.
Quanh trung tâm đã có khoảng 30 ha đào do người dân tự trồng. Họ tự phát triển giống cây ăn quả ôn đới là do lợi ích từ chính cây đó mang lại.
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn