Đây là phương pháp được các nhà khoa học đánh giá sẽ cho nguồn nguyên liệu cũng như sản phẩm sạch, giúp người sản xuất giảm giá thành trên từng sản phẩm, tăng chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Vì vậy, để có thể phát triển một cách đồng bộ, đồng đều nguồn nguyên liệu và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, sự liên kết đa vùng để cải tiến sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trở nên rất cần thiết trong chuỗi sản xuất này.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất vốn không dễ dàng, nhưng không ít doanh nghiệp, hợp tác xã, thậm chí cá nhân đã tự chủ động đầu tư, ứng dụng và phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đây là cách thức mà các nhà sản xuất cho rằng phải chủ động nâng cao giá trị sản phẩm mới có thể quảng bá sản phẩm của mình đến với thị trường.
Nâng cao kiến thức ứng dụng công nghệ
Đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần đội ngũ nhân lực với kiến thức sâu rộng để có thể áp dụng công nghệ. Thế nhưng, vấn đề của nhiều người sản xuất hiện nay là chưa được tiếp cận kiến thức truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Có người thừa vốn để đầu tư công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhưng loay hoay trong ứng dụng công nghệ và cách thức quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, muốn ứng dụng công nghệ và chuyển giao công nghệ thành công thì người sản xuất và nông dân phải có kiến thức. Để làm được điều này thì chính thành phần sản xuất là nông dân phải được đào tạo dưới mọi hình thức.
Thông qua các chương trình đào tạo ngắn hạn hoặc dài hạn, nông dân được bổ sung kiến thức và tay nghề để làm chủ công nghệ trong sản xuất.
Khi người sản xuất được đào tạo phương pháp ứng dụng công nghệ cũng như kiến thức sử dụng công nghệ cao, họ sẽ chủ động trong việc tìm kiếm các dữ liệu liên quan đến ngành nghề họ đang tham gia.
Ông Đào Ngọc Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và dịch vụ nông nghiệp An Việt (Hà Nội) chia sẻ, hiện nay nhiều công ty dữ liệu đã xây dựng được các trung tâm dữ liệu tập hợp về nông nghiệp như nhà sản xuất, tiêu thụ, các hệ thống có thể liên kết chuyên gia, nhà khoa học. Hệ thống này được cập nhật thường xuyên theo tín hiệu thị trường thông quan hệ thống công nghệ thông tin và điện toán đám mây.
Khi nông dân có kiến thức về sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chỉ cần với thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính kết nối mạng là có thể vào hệ thống này tìm hiểu, học hỏi những thông tin về thị trường, phương pháp sản xuất, tiêu thụ hàng hóa hiệu quả.
Cũng bằng hệ thống này, nông dân và doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm chuỗi liên kết có thể theo dõi quy trình, chất lượng và số lượng loại nông sản mà họ cần từ lúc được trồng đến khi thu hoạch. Từ đó có thể chủ động tạo mắt xích liên kết sản xuất, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm của đơn vị mình.
Cũng từ sự chủ động nâng cao kiến thức và khả năng tìm kiếm thông tin, nhiều đơn vị, cá nhân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã tự mở cánh cửa liên kết trong phát triển chuỗi ngành hàng.
Hiện nay, không ít khu vực đã có sự liên kết chặt chẽ với nhau trong sản xuất và tiêu thụ. Điển hình, Đồng Tháp là địa phương chủ động lập kế hoạch sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực có tru xuất nguồn gốc hướng vào các trung tâm kinh tế lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội,…
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, Đồng Tháp cũng đã có nhiều kế hoạch ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp. Trong đó, ứng dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc sản phẩm là một xu thế tất yếu. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2020 các mặt hàng nông sản chủ lực sẽ có vùng nguyên liệu ban đầu và truy xuất nguồn gốc.
Có như vậy mới tăng cơ hội hợp tác cho người dân tỉnh Đồng tháp với các doanh nghiệp, nhà khoa khọc ở các địa phương khác. Trong đó, Đồng Tháp sẵn sãn đáp ứng mọi yêu cầu của 2 thị trường lớn nhất cả nước là thành phố Hồ chí Minh và Hà Nội. Đồng Tháp sẽ lấy tín hiệu thị trường làm thông tin nền tảng cho các hoạt động sản xuất.
Áp dụng quy tắc quốc tế
Song song với tự nâng cao kiến thức trong sản xuất nông nghiệp, mạnh dạn đầu tư công nghệ cao để tạo ra sản phẩm an toàn, sản phẩm sạch cung ứng cho thị trường, nhiều nông dân cũng đã “chịu khó” áp dụng các quy tắc quốc tế vào sản xuất để tăng cơ hội hợp tác giữa nông dân trong nước với thị trường nước ngoài.
Hiện nay, có nhiều tiêu chuẩn quốc tế đặt ra với nông sản Việt Nam khi các mặt hàng này được xuất khẩu. Đó là tiêu chuẩn GlobalGAP với sản phẩm hồ tiêu, hạt điều, các loại trái cây, tiêu chuẩn BAP, ASC đối với các loại thủy sản như tôm, cá tra,…
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mỗi tiêu chuẩn quốc tế có một đặc điểm khó khăn riêng. Tuy nhiên, đích cuối cùng của các tiêu chuẩn này vẫn là truy xuất nguồn gốc rõ ràng, nghiêm cấm sử dụng các loại chất cấm trong trồng trọt và chăn nuôi, sản xuất phải đi đối với bảo vệ môi trường và giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội.
Thực hiện các tiêu chuẩn này, các hộ nông dân trồng tiêu tại huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu đã nghiêm khắc với cách sản xuất hồ tiêu của mình khi tham gia liên kết với Công ty TNHH Harris Freeman (Đức).
Với hình thức canh tác này, các hộ trồng tiêu huyện Xuyên Mộc đã ngày càng hạn chế sử dụng phân bón hóa học, tăng cường sử dụng phân hữu cơ và vi sinh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và các chế phẩm vi sinh trong phòng trừ sâu bệnh cho cây tiêu.
Ông Nguyễn Đình Mân, một trong 800 hộ trồng tiêu liên kết với Công ty Harris Freeman tại huyện Xuyên Mộc chia sẻ, trong quá trình liên kết, doanh nghiệp hỗ trợ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn của châu Âu, thúc đẩy nông dân thay đổi tập quán sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, an toàn sức khỏe cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, chi phí sản xuất theo hướng sạch tăng không đáng kể so với sản xuất truyền thống, nhưng cây tiêu phát triển tốt, ít bị dịch bệnh, chất lượng hạt tiêu nâng lên. Quy trình sản xuất tiêu theo bộ quy tắc quốc tế rất an toàn.
Kỹ thuật thu hoạch, phơi sấy, bảo quản hồ tiêu theo quy tắc quốc tế đã hỗ trợ nông dân phân tích đất, nước, dự báo lượng mưa ảnh hưởng đến cây tiêu. Nông dân từ chỗ sản xuất theo kinh nghiệm đã biết tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt hơn để cho ra sản phẩm chất lượng cao.
Chủ động áp dụng các quy tắc quốc tế sẽ giúp cho uy tín của nông dân Việt Nam được nâng cao khi các khách hàng nước ngoài nhắc đến. Bởi, chính những thị trường khó tính là nơi sang lọc chắc chắc nhất sản phẩm chất lượng cao và sản phẩm không đạt tiêu chuẩn của người tiêu dùng quốc tế. Bằng cách chứng minh các tiêu chuẩn quốc tế có trên sản phẩm của mình, nông dân Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng cửa ra sân chơi thế giới.
"Chẳng hạn như quả thanh long Việt Nam vào thị trường Mỹ và châu Âu, phải đáp ứng các tiêu chuẩn về kích cỡ, trọng lượng, độ chín, độ ngọt, độ tươi của quả thanh long. Có như vậy, các đối tác nước ngoài mới chủ động tìm đến với thanh long Việt Nam, mua những thứ họ đang cần.", ông Ưng Thế Lãm, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xuất nhập khẩu và xúc tiến thương mại Toàn Cầu chia sẻ.
Theo Hồng Nhung/Báo TTX Việt Nam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn