Là một cán bộ văn thư đang công tác tại UBND xã An Thọ, chị Phùng Thị Mỹ Linh vừa đảm đang công việc của cơ quan mà còn giỏi trong việc xây dựng kinh tế gia đình. Chị nhớ lại năm 2016, cái duyên nghề nuôi thỏ đến với chị trong chuyến công tác ở Đắk Lắk, khi chị có dịp ghé thăm một trang trại nuôi thỏ quy mô và vô cùng thành công nhờ kĩ thuật chăm sóc riêng biệt. Từ đó, chị đã nuôi trong mình mơ ước có một trang trại nuôi thỏ riêng để gây dựng sự nghiệp và làm giàu từ mô hình này.
Chị Linh chăm sóc đàn thỏ theo hình thức "3 sạch"
Lúc đầu chị Linh nuôi thử 3 cặp thỏ sinh sản. Thỏ đẻ mắn, một năm đẻ 7 lứa, mỗi lứa đẻ từ 6 -7 con nên số lượng đàn tăng khá nhanh. Sau 1 năm chị đã có hơn 100 con. Các loại thỏ bố, mẹ, thỏ con và thỏ được chị Linh tách đàn nhốt trong các ô riêng, theo dõi sức khỏe và vệ sinh hàng ngày để đảm bảo cho thỏ luôn sạch sẽ.
Do nhu cầu thịt thỏ đang cao nên gia đình chị quyết định nuôi hơn 100 con thỏ cho sinh sản. Chị cho biết, mô hình nuôi thỏ “3 sạch” đã được khá nhiều nông dân ở các tỉnh khác triển khai và cho hiệu quả cao. Do đó, chị học hỏi rất nhiều từ sách báo, từ bạn bè từ cách làm chuồng trại đến cách nuôi, chăm sóc. Theo đó, con giống chọn lựa phải sạch bệnh, làm chuồng nuôi trên khoảng đất cao, có chỗ thoát nước và xử lý phân riêng; trong chuồng nuôi ngăn thành nhiều ô, được đặt cao ráo, cách mặt đất 0,5m nên dễ dàng dọn vệ sinh, có vòi nước tự động cho thỏ uống nhằm bảo bảo vệ sinh nguồn nước uống. Thức ăn chủ yếu của thỏ là lá cây họ đậu (đậu xanh, lạc,...), lá rau (rau muống, rau cải, rau khoai lang, cỏ...) và các loại củ (bí đỏ, cà rốt, khoai, sắn). Ngoài ra, chị dành ra khoảng 500m2 để trồng thêm rau muống cho thỏ ăn nhằm cung cấp thức ăn sạch cho thỏ nuôi của gia đình.
Chị Linh còn cho biết thêm, thỏ là loài vật khá dễ nuôi. Tuy nhiên, người nuôi cần phải kiên trì, nắm chắc những kinh nghiệm như: thức ăn cho thỏ phải sạch, trong đó 70% sẽ chủ yếu là cây cỏ và 30% là cám. Bên cạnh đó, việc vệ sinh chuồng trại và kiểm tra sức khỏe của thỏ phải được ưu tiên hàng đầu bởi thỏ rất dễ mắc bệnh ghẻ lở, nấm, tiêu chảy, tụ huyết trùng... Ngoài ra, cần phải tăng sức đề kháng cho thỏ bằng cách bổ sung vitamin đầy đủ, nhiệt độ để thỏ phát triển tốt khoảng 25 - 28 độ, mùa hè phải mát và mùa đông phải ấm…
Hiện nay, do được chăm sóc tốt, thỏ của gia đình chị sinh trưởng rất nhanh, khoảng 2 tháng đã đạt trên 1,5 kg/con và có thể xuất chuồng. Với giá bán thỏ thịt từ 80 - 90 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi lứa xuất chuồng bán cho thương lái, chị Linh thu lãi từ 10 - 15 triệu đồng/tháng.
Thịt thỏ của gia đình chị Linh được đánh giá là thơm, ngon và chắc thịt nên khá nhiều người ưa chuộng và người đặt mua ngày một đông, nhất là các nhà hàng tại Tp. Tuy Hòa và các tỉnh lân cận, nhiều lúc không có đủ sản phẩm để đáp ứng nhu cầu. Hiện nay, do nhu cầu thị trường ngày càng tăng nên chị đang mở rộng hệ thống chuồng nuôi, thuê thêm lao động và phát triển thêm đàn thỏ, dự kiến khoảng 200 cặp thỏ cho sinh sản chị cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Tấn Luận cán bộ thú y xã An Thọ chia sẻ: Mô hình nuôi thỏ “3 sạch” của gia đình chị Linh là mô hình đầu tiên trong xã. Nhờ chịu khó nghiên cứu đầu tư, mô hình nuôi thỏ “3 sạch” đã giúp gia đình chị Linh cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế, là mô hình học hỏi cho nhiều nông dân trong vùng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn