Trước đây, người dân xã Tân Thịnh thường trồng các cây màu truyền thống như: bí xanh, dưa leo, thuốc lá. Năm 2009, với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, Học viện Nông nghiệp, xã triển khai xây dựng mô hình trồng cà chua bi HT144 trên diện tích 4ha. Kết quả, mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Sau nhiều lần khảo nghiệm, đánh giá với nhiều giống cây trồng, đến thời điểm này có thể khẳng định, cà chua bi HT144 và dưa bao tử đã trở thành cây trồng chủ lực ở Tân Thịnh, mang lại giá trị thu nhập hàng chục triệu đồng/sào/vụ. Điều đánh ghi nhận là, chính quyền địa phương đã quy hoạch thành những vùng sản xuất tập trung, góp phần tăng thu nhập cho người dân và nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Đặc biệt, các sản phẩm của người dân đã được các công ty, doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Bà Hoàng Thị Quế (thôn Đồng) tâm sự: “Ba năm trở lại đây, năm nào gia đình tôi cũng trồng 2 - 3 sào cà chua bi và dưa bao tử. Khi thu hoạch, chúng tôi được HTX Nông nghiệp Tân Thịnh thu mua toàn bộ, tùy từng loại mà giá bán khác nhau. So với cây lúa thì trồng cà chua bi, dưa bao tử cho thu nhập cao hơn nhiều lần”.
Ông Đặng Đình Thìn, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tân Thịnh, cho biết, năm 2014 HTX trồng được hơn 8ha cà chua HT144 với hơn 100 hộ tham gia. Ước tính, sản lượng đạt hơn 300 tấn, thu về khoảng 15 tỷ đồng. “Hiện, chúng tôi đang thu mua sản phẩm của bà con với giá 5.800 - 6.000 đồng/kg, so với năm ngoái thì giá cao hơn một chút”, ông Thìn nói.
Theo tính toán, một vụ cà chua cho thu hoạch tới 6 tháng (từ cuối tháng 11 năm trước đến tháng 4 dương lịch năm sau). Với năng suất bình quân 2 tấn/sào, người trồng thu về 17 triệu đồng/sào, trừ chi phí, lãi khoảng 14 triệu đồng. “Nhiều hộ trong xã đã mở rộng diện tích trồng cà chua bi HT144, có hộ trồng tới 8 sào, trung bình mỗi ngày thu về 2 triệu đồng/hộ. Thị trường tiêu thụ tương đối ổn định, chúng tôi đã ký hợp đồng với các công ty, thu hoạch được bao nhiêu doanh nghiệp thu mua bấy nhiêu”, ông Thìn nói.
Ông Đặng Quang Tạo, Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh, cho biết, xã có 4 mô hình sản xuất chuyên canh, gồm: cà chua, khoai tây, thuốc lá, lúa, trong đó có 2 cánh đồng mẫu lớn gồm: lúa và khoai tây. Hiện, xã có 120ha thuốc lá, 40ha khoai tây với 20 hộ tham gia trồng cùng với khoảng 40ha các loại rau chế biến như: ngô ngọt, cà chua bi… Các sản phẩm đều được bao tiêu nên bà con yên tâm sản xuất.
Theo ông Tạo, việc hình thành các vùng chuyên canh rất thuận lợi cho công tác chỉ đạo kỹ thuật, bảo vệ thực vật cũng như áp dụng cơ giới hóa, góp phần tiết kiệm kinh phí, thời gian cũng như công sức của cả doanh nghiệp và người dân.
Cùng với hoàn thiện hệ thống hạ tầng, việc hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với mối liên kết “4 nhà” đã góp phần giúp Tân Thịnh hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, trở thành điểm sáng của tỉnh Bắc Giang.
Hoàng Văn
Theo kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn