HTX chăn nuôi gà Mười Tín theo tiêu chuẩn VietGAP |
Ông Văn Anh Tuấn, Chủ tịch TP Tam Kỳ chia sẻ, năm 2011 bắt đầu thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM với 4 xã triển khai. Sau hơn 7 năm đã có 3 xã gồm Tam Thăng, Tam Ngọc được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2015; xã Tam Thanh vừa được công nhận NTM năm 2017; còn xã Tam Phú đến cuối năm 2017 đã đạt 15/19 tiêu chí.
Đến Tam Kỳ thời gian này có thể nhận thấy những kết quả nổi bật về xây dựng NTM tại các xã. Trong đó cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, ngày càng thu hẹp với cư dân đô thị. Nhiều mô hình SX nông nghiệp hình thành, đạt kết quả tốt. Đã ra đời nhiều HTX nông nghiệp góp phần từng bước thay đổi nhận thức và cách thức sản xuất của nông dân.
Theo ông Tuấn, đến nay nợ đọng xây dựng cơ bản NTM trên địa bàn TP là 15,2 tỷ đồng, trong đó Trung ương và tỉnh nợ 3,6 tỷ đồng; TP nợ 5,5 tỷ đồng và xã nợ 5,2 tỷ đồng. Trước việc này, TP Tam Kỳ đưa ra kế hoạch xử lý nợ đọng ở cấp TP năm 2018 bố trí 4 tỷ đồng và năm 2019 bố trí 1,5 tỷ đồng.
“Cấp xã nợ 5,2 tỷ đồng, trong đó xã Tam Thăng nợ 803 triệu đồng; xã Tam Ngọc nợ 1,8 tỷ đồng, sẽ xử lý dứt điểm trong năm 2018; xã Tam Thanh nợ 1,9 tỷ đồng; xã Tam Phú nợ 699 triệu đồng. Tất cả đều xử lý trong năm 2018 này, không để dây dưa”, ông Tuấn nói.
Theo lộ trình, trong năm 2018, Tam Kỳ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, để làm được việc này, TP đưa ra nhiệm vụ cần tập trung thực hiện là xã Tam Phú đạt chuẩn NTM năm 2018; xã Tam Thanh phấn đấu duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã có.
“Riêng xã Tam Thăng và Tam Ngọc phấn đấu duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí; khôi phục các tiêu chí đã rớt và tổ chức rà soát, đánh giá, triển khai thực hiện các khối lượng công việc để đạt chuẩn đối với chỉ tiêu, tiêu chí của UBND tỉnh Ban hành Bộ tiêu chí về xã đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh”, ông Tuấn cho hay.
Nhiều khu công nghiệp xây dựng vùng ven TP Tam Kỳ đã thu hút lao động trên địa bàn |
Một mục tiêu mà Tam Kỳ phấn đấu là tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Để làm việc này, TP đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong độ tuổi lao động nhằm từng bước chuyển đổi nghề, đảm bảo tham gia thị trường lao động tại các khu cụm công nghiệp; các loại hình dịch vụ, du lịch… để nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn.
Đẩy mạnh chỉ đạo phát triển sản xuất, chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất. Các xã tiếp tục đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp gắn với quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển hàng hóa, đảm bảo tính bền vững.
Tiếp tục đẩy mạnh áp dụng cơ giới hoá, giảm tổn thất sau thu hoạch trong SX. Tích cực hỗ trợ các HTX hoạt động hiệu quả, làm hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tập trung. Khuyên khích ứng dụng KH- CN vào sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.
UBND TP Tam Kỳ thống nhất theo kế hoạch đề án “Mỗi xã một sản phẩm” mà tỉnh đề đưa ra. Theo đề án, các sản phẩm mới dự kiến lựa chọn tham gia gồm nước mắm Tam Thanh (thuộc HTX nước mắm Tam Thanh). Sản phẩm hiện có dự kiến lựa chọn tham gia chương trình OCOP tỉnh gồm bún Phương Hòa, bánh dừa nướng Quảng Nam, bánh tráng Tam Ngọc, chiếu cói Thạch Tân – Tam Thăng.
“Bổ sung sản phẩm nước mắm Tam Thanh được tham gia vào chuỗi sản phẩm nông sản chung của tỉnh Quảng Nam. Đưa thêm sản phẩm “Chăn nuôi gà ta” của HTX chăn nuôi gà Mười Tín và Rau an toàn Tam Kỳ khoảng 10 ha ở Trường Xuân, Tam Ngọc, Tam Thăng, Tam Phú vào Chương trình sản phẩm mới dự kiến lựa chọn tham gia chương trình OCOP tỉnh giai đoạn 2018-2020”, ông Tuấn đề nghị.Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn