Được sự tài trợ của Quỹ Bảo vệ Môi trường toàn cầu, từ tháng 7/2010, Hội Nghề cá tỉnh Thanh Hóa đã triển khai mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững tại xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa). Dự án đã đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm các kiểu nuôi và con nuôi thích hợp, có thể thích ứng với bất lợi của khí hậu và xâm nhập mặn. Tham gia dự án có hơn 100 hộ nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích nuôi hơn 300 ha. Theo ông Lê Viết Rong, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Thanh Hóa: “Chúng tôi chọn vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ ven sông Mã thuộc xã Hoằng Châu để triển khai dự án, bởi diện tích vùng nuôi ở nơi đây chiếm 1/10 tổng diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ toàn tỉnh. Đây còn là vùng tiếp giáp giữa cửa biển và sông Mã, lại nằm ngoài đê Trung ương nên chịu ảnh hưởng lớn của các đợt thủy triều từ biển, ngập lụt từ sông, nguồn nước sông thường bị nhiễm chất độc bởi các nhà máy trên thượng nguồn xả thải. Đó là nguyên nhân làm cho nghề nuôi trồng thủy sản ở đây liên tục mất mùa, tôm cua chết hàng loạt vào những năm trước, các chủ đồng phá sản hoặc lỗ vốn nhiều hơn là có lãi.
Các cánh đồng nuôi trồng thủy sản ở xã Hoằng Châu được nuôi đa canh, đa con và rau câu để tránh rủi ro.
Tham gia dự án, người nuôi trồng thủy sản được tập huấn kỹ thuật, các kiến thức về môi trường và bảo vệ môi trường, hướng tới nuôi trồng bền vững. Bên cạnh việc thả nuôi các loài thủy sản trong các ao đầm, việc tái tạo nguồn lợi ngoài thiên nhiên cũng được chú trọng, trong đó tôm sú và cua đã được thả vào môi trường tự nhiên quanh các khu nuôi trồng thủy sản của người dân trong xã. Ngoài ra, trong quá trình triển khai dự án, 180 ha rừng ngập mặn ở khu vực này đã được trồng, chăm sóc tốt. Ngoài việc trở thành “ngôi nhà” cho nhiều loài cá, tôm, cua, cáy... trú ngụ, rừng ngập mặn còn góp phần chống sạt lở, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường cho một vùng rộng lớn. Nhiều đàn ong mật có môi trường phát triển đem lại thu nhập cho các chủ đồng. Ông Lê Ngọc Huệ - người nuôi trồng thủy sản ở thôn 13, xã Hoằng Châu, cho biết: Cách đây khoảng 5 - 7 năm, nhiều loài cua, cáy ngoài tự nhiên gần như cạn kiệt. Từ khi dự án được triển khai thực hiện, rừng ngập mặn được bảo vệ đã trở thành nơi trú ngụ và phát triển của các loài thủy, hải sản.
Để so sánh được sự khác biệt sau gần 3 năm thực hiện dự án, chúng tôi đã tìm về cánh đồng nuôi thủy sản ở xã Hoằng Châu, anh Lê Ngọc Sơn chở chúng tôi trên con thuyền 8 CV của gia đình dạo quanh toàn bộ khu nuôi trồng thủy sản của xã. Men theo bờ bắc sông Mã khoảng 3 km, vùng nuôi trồng thủy sản của xã Hoằng Châu cơ bản đã được phủ xanh bởi hàng triệu cây bần, cây đước và sú - vẹt. Trên triền sông, dưới tán rừng ngập mặn, có vô số con cáy, cua nhỏ... bò kiếm ăn. Theo anh Sơn: “Ít năm trước, cáy ở đây gần như cạn kiệt, tôm và cua hầu như chỉ còn trong đồng nuôi chứ ít thấy ngoài tự nhiên. Vài năm nay, các loài đang sinh sôi trở lại. Tiếp tục khám phá khu rừng, chúng tôi thấy các loài thủy sinh phát triển rất phong phú.
Riêng hoạt động nuôi trồng, dự án hướng cho người nuôi thả đa canh, đa con theo hướng bền vững. Theo đó, các đồng nuôi thường được thả đồng thời cả tôm sú, cua, rau câu... và nhiều loại cá nước lợ có giá trị. Nếu mất mùa một loại giống, chủ đồng vẫn có thể thu hoạch các giống còn lại. Đáng nói, các hộ dân ở đây đã từ bỏ việc cho cá, tôm, cua ăn các loại thức ăn công nghiệp, dễ gây ô nhiễm môi trường, chất lượng thủy sản xuất bán không sạch bởi có nhiều dư lượng hóa chất. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay tất cả các chủ đồng nuôi ở xã Hoằng Châu đều dùng don, dắt làm thức ăn cho tôm, cua, cá, bởi chi phí rất rẻ, thậm chí có thể tự khai thác ngay tại sông Mã, khu vực cửa sông tiếp giáp với biển. Do vậy, nguồn hải sản sạch của xã Hoằng Châu nuôi trồng đang được thị trường ưa chuộng. Ngoài xuất bán cho các nhà hàng, khách sạn tại thị xã Sầm Sơn, các loại thủy sản nuôi ở đây đã trở thành nguồn hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Thông tin từ UBND xã Hoằng Châu, vài năm gần đây, hoạt động nuôi trồng thủy sản cho thu hoạch từ 100 đến 150 tấn tôm sú/năm. Mỗi năm, các chủ đồng trong xã cũng nuôi và thu hoạch được khoảng 150 tấn cua. Hiện tại, tôm sú bán tại xã đạt từ 200.000 đến 250.000 đồng/kg, giá cua từ 150.000 đến 200.000 đồng/kg. Nhiều hộ dân có lãi cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Từ hiệu quả khá rõ nét của hình thức nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu ở Hoằng Châu, thời gian tới, hình thức nuôi trồng này sẽ được triển khai tại xã Quảng Khê (Quảng Xương) và dần mở rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn