Dù không là xã điểm thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT), song với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương cùng với sự đồng thuận của người dân, xã Vĩnh Quỳnh đã trở thành đơn vị đầu tiên của huyện Thanh Trì hoàn thành công tác DĐĐT, bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung, đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp, tạo động lực xây dựng nông thôn mới (NTM).
Chị Đỗ Thị Yến, đội 8, thôn Vĩnh Ninh vui mừng chia sẻ: "Từ 3,5 sào ruộng, ở 3 xứ đồng khác nhau, giờ đây, gia đình tôi chỉ còn một thửa, một đầu ruộng là đường nội đồng rộng rãi, thuận lợi cho máy gặt xuống tận nơi, một đầu là kênh dẫn nước chủ động cho tưới tiêu". Bà Nguyễn Thị Thu Hồng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh cho biết: Toàn xã có 3 thôn nhưng chỉ có thôn Vĩnh Ninh triển khai DĐĐT vì 2 thôn Quỳnh Đô và Ích Vịnh nằm trong Phân khu đô thị S5 và quy hoạch đường sắt trên cao của TP. Xác định mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM không có cách nào khác là hoàn thiện DĐĐT, quy hoạch lại đồng ruộng, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Vì vậy, ngay khi bắt tay vào triển khai, xã đã tập trung chỉ đạo, tăng cường tuyên truyền đến từng hộ gia đình. Hơn 2 năm qua, xã đã tổ chức 65 hội nghị, trong đó có 21 cuộc họp dân tại 7 cụm dân cư thôn Vĩnh Ninh để phổ biến phương án DĐĐT. Mô hình nuôi trồng thủy sản của hộ anh Nguyễn Đình Tuấn, đội 12, thôn Vĩnh Ninh cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm. |
Đồng thời, phát huy tính dân chủ, công khai, minh bạch trong việc gắp thăm phiếu ghép ruộng bằng phương pháp đánh số thứ tự ngẫu nhiên và ưu tiên cho những hộ gia đình chính sách gắp thăm trước. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, 100% số hộ (trên 800 hộ) ở 7 cụm dân cư đều đồng thuận và rút thăm chia ruộng ngoài thực địa với diện tích 144,6ha, trung bình mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa. Sau dồn đổi, với diện tích ruộng dư thừa trên 3ha, xã đã quy hoạch để mở rộng nghĩa trang và mở rộng bờ vùng, bờ thửa.
Đến thời điểm này, xã đã quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, trong đó có 114ha lúa chất lượng cao; 30,6ha nuôi trồng thủy sản. Vụ chiêm xuân năm 2013, xã đưa 7ha vào trình diễn gieo cấy giống lúa chất lượng cao HT3 - 3 theo quy trình mạ khay, máy cấy, máy gặt đập liên hoàn, năng suất bình quân đạt 70 tạ/ha, cao gấp 1,5 lần so với phương pháp cấy tay truyền thống. Vụ mùa năm 2013, được huyện hỗ trợ 50% kinh phí, xã tiếp tục chỉ đạo HTX Dịch vụ Nông nghiệp Vĩnh Ninh mua 2 máy làm đất và 3 máy gặt đập liên hoàn phục vụ người dân sản xuất.
Để nâng cao hiệu quả sau DĐĐT, bà Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết thêm, từ nay đến hết năm 2013, xã sẽ hoàn thành việc đào đắp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Đồng thời tiếp tục khuyến khích, nâng cao hiệu quả của các vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất; phấn đấu đến hết năm 2014 hoàn thành các tiêu chí NTM. Hiện, xã Vĩnh Quỳnh đã đạt 14/19 tiêu chí NTM. Bài, ảnh: Ánh Ngọc
Nguồn: ktdt.com.vn