Từ nguồn vốn 850 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) TP. Hà Nội cho vay, 170 hộ ND xã Tân Ước, Thanh Oai, có thêm cơ hội đầu tư chăn nuôi, duy trì và phát triển nghề nón lá truyền thống...
Xã Tân Ước có thế mạnh là nghề làm nón lá truyền thống. Trong tổng số hơn 10 tỷ đồng doanh thu từ ngành dịch vụ của xã hàng năm thì nghề làm nón lá đóng góp hơn 3 tỷ đồng. Nghề này đang thu hút hơn 1.300/2.200 hộ tham gia, tập trung ở 3 thôn: Tri Lễ, Quế Sơn và Phúc Thịnh.
Vốn đến đúng thời điểm
Là 1 trong số 50 hộ được Quỹ HTND thành phố đầu tư thực hiện dự án làm nón, anh Nguyễn Trọng Minh (thôn Tri Lễ) cho biết: “Gia đình tôi đã có 3 - 4 thế hệ làm nón. Các mặt hàng tôi làm chủ yếu phục vụ du lịch, như nón lá Lâm Xung và mũ. Tuy nhiên, những năm gần đây do giá nguyên vật liệu tăng nhanh, trong khi thị trường thì chững lại, vì thiếu vốn xoay vòng nên gia đình tôi và nhiều hộ không còn tha thiết với nghề”.
Anh Nguyễn Trọng Minh vay vốn đầu tư cho nghề làm mũ, nón lá.
Năm 2012, được Quỹ HTND thành phố cho vay 5 triệu đồng, anh Minh quyết định dồn vốn mua nguyên vật liệu làm nón. Bốn lao động trong gia đình, mỗi người phụ trách một công đoạn, trung bình một ngày cả nhà làm được 20 cái nón. Hiện, giá bán nón lá trung bình 10.000 đồng/chiếc, trừ chi phí, mỗi người có thu nhập 50.000-70.000 đồng/ngày. Nón của gia đình anh Minh và các hộ trong xã làm ra tiêu thụ tại các địa điểm du lịch trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản...
“Cái hay của nghề này đó là có thể tận dụng thời gian nông nhàn, từ những cụ già đến các em nhỏ cũng có thể làm nghề. Hơn nữa vừa làm nghề vừa có thể duy trì công việc đồng áng nên thu nhập tăng thêm đáng kể” - anh Minh nói.
Ưu tiên hộ nghèo
Bên cạnh đầu tư có hiệu quả cho dự án làm nghề nón, từ Quỹ HTND thành phố nhiều hộ chăn nuôi ở xã Tân Ước cũng có thêm vốn để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Ông Nguyễn Trọng Thủy ở thôn Tri Lễ (1 trong số 120 hộ vay vốn của dự án chăn nuôi) chia sẻ: “Gia đình tôi làm trang trại chăn nuôi lợn, vịt, cá đã 6 năm, với quy mô hơn 1ha.
Hiện, với 20 đầu lợn nái, hơn 1.000 vịt thịt, 700 vịt lấy trứng và 2 ao nuôi cá, mỗi năm doanh thu của gia đình tôi khoảng 500 triệu đồng. Tuy nhiên để duy trì sản xuất và tái đàn thì tôi vẫn cần rất nhiều vốn. Số tiền 5 triệu đồng được vay Quỹ HTND không nhiều nhưng cũng tạo điều kiện cho tôi có thêm vốn đầu tư để tăng thêm số lượng đàn lợn nái, cải tạo lại ao nuôi cá”.
"Số tiền 5 triệu đồng vay từ Quỹ HTND không lớn nhưng cũng tạo điều kiện cho tôi có thêm vốn đầu tư để tăng thêm số lượng đàn lợn nái, cải tạo lại ao nuôi cá”.
Ông Nguyễn Trọng Thủy
Ông Vũ Bá Tường - Chủ tịch Hội ND xã Tân Ước cho biết: Ngay sau khi được Hội ND thành phố phân bổ vốn Quỹ HTND, Hội ND xã tiến hành bình xét công khai, ưu tiên những hộ thật sự cần vốn và có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ. Hội ND xã còn thành lập Ban vận động và ban điều hành Quỹ HTND. Sau 6 tháng, Ban điều hành sẽ tiến hành thu phí (0,3%/tháng) và kiểm tra hiệu quả nguồn vốn, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích.
“Nguồn vốn Quỹ HTND đã tiếp thêm động lực cho ND làm kinh tế. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ mua lợn giống về nuôi; mua nguyên liệu để làm nón... Nhờ vậy mà thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 19 triệu đồng/người/năm”- ông Tường khẳng định.