Đoàn giám sát định kỳ Ban quản lý Dự án Tài chính nông thôn của Sở Giao dịch III - BIDV chúng tôi tới thăm nhà anh Phan Bá Lương tại một làng chài nghèo thuộc xã Vĩnh Thanh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế - một nông dân điển hình thoát nghèo nhờ vay vốn Dự án Tài chính nông thôn vào sáng giữa hè nắng chói chang.
Anh Phan Bá Lương với con ba ba nuôi trong bể trên cát
Với nụ cười tươi giòn, người nông dân chân chất chào đón đoàn chúng tôi vào thăm nhà. Ngôi nhà ngói tuy không khang trang nhưng rất gọn gàng, ngăn nắp. Trên tường là dãy bằng khen Trưởng tàu cá xuất sắc của bố, rồi giấy khen học sinh giỏi của trẻ con… Cuộc sống nơi đây dường như thật yên ả, mặc kệ cái nắng đến chói lòa, bỏng rát của cát trắng, gió Lào.
Anh Lương tâm sự, cả đời mình gắn bó với nghề chài lưới bằng tàu đánh cá nhỏ ở vùng biển Thừa Thiên - Huế nhiều nắng, gió, mưa bão. Những năm gần đây, khi biển động và con nước không thuận, nghề cá không đủ nuôi ba bữa cơm cho gia đình gồm hai vợ chồng và ba đứa con nhỏ này. Từ lâu, trong anh luôn trăn trở với việc mưu sinh và nuôi các con ăn học...
Năm 2010, được sự động viên của Hội Khuyến nông huyện, anh Lương mạnh dạn vay vốn từ nguồn Dự án Tài chính nông thôn của Ngân hàng Thế giới (WB) do Sở Giao dịch III - BIDV là ngân hàng đầu mối giải ngân qua Agribank. Chính nguồn vốn này đã giúp gia đình anh Lương bắt tay vào thực hiện dự án xây bể nuôi ba ba trên cát.
Một dự án hoàn toàn mới mẻ không chỉ với người nông dân quanh năm đánh cá như anh, mà còn chưa từng thực hiện ở vùng miền Trung cát trắng nắng chang chang này.
Với sự hỗ trợ kỹ thuật của các cán bộ khuyến nông huyện cùng việc tự mày mò nghiên cứu kỹ thuật, anh Lương mạnh dạn đi đầu trong việc nghiên cứu thực hiện xây bể ba ba trên cát bằng gạch xỉ, dùng bèo tây làm mát nước, thường xuyên thay nước tạo độ mát cần thiết cho ba ba sinh sống và trưởng thành.
Khởi nghiệp nuôi ba ba thịt với số vốn vay 30 triệu đồng từ nguồn Dự án Tài chính nông thôn thông qua Agribank Phú Vang, vợ chồng anh bắt tay xây hai bể nuôi với diện tích 150 m2 và thả nuôi 500 con ba ba giống. Đợt nuôi đầu tiên cho kết quả khả quan, sau 16 tháng gia đình anh thu hoạch, trừ đi chi phí đầu tư thu về hơn 80 triệu đồng tiền lãi.
Thừa thắng xông lên, vợ chồng anh tiếp tục vay thêm vốn từ Dự án Tài chính nông thôn để xây dựng thêm bể nuôi mở rộng quy mô nuôi, từ hai bể ban đầu với diện tích 150m2, sau ba năm gia đình anh đã mở rộng diện tích lên tới 900m2 bể nuôi. Không chỉ dừng lại ở việc nuôi ba ba thương phẩm, cuối năm 2011 anh còn tiến thêm một bước phát triển nuôi ba ba giống với mục đích cung cấp nguồn giống cho chính trang trại của mình.
Trao đổi với chúng tôi về kinh nghiệm nuôi ba ba anh cho biết thức ăn cho ba ba rất đơn giản, rẻ và dễ tìm, chủ yếu là giun đất và cá tạp xay nhỏ… Nhưng, quan trọng nhất là chuồng trại và đặc biệt là môi trường nước ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng và bệnh tật của ba ba nuôi nên cần được chú ý đặc biệt.
Thời vụ nuôi ba ba bắt đầu từ cuối tháng 3 tới đầu tháng 12, đặc biệt là từ tháng 5 tới tháng 10, khi thời tiết ấm áp ba ba sinh trưởng rất nhanh. Chỉ một sơ suất nhỏ trong khâu nuôi ăn và vệ sinh nước là ba ba có thể bị bệnh.
Có lần, ba ba chết nổi trắng bụng, anh Lương không biết làm sao. Bao nhiêu mồ hôi, công sức và tiền bạc của gia đình đều dồn vào con ba ba, anh mất ăn mất ngủ cả tháng trời, nhiều đêm vợ anh khóc ròng vì thua lỗ. Không nản lòng, anh tiếp tục học hỏi và biết được rằng nếu nguồn nước không sạch thì ba ba sẽ nhiễm bệnh nhanh chóng.
Ba ba cũng là giống động vật nhát gan, việc thay nước mà gây tiếng động lớn cũng có thể khiến chúng bỏ ăn, do đó công đoạn thay nước rửa bể anh cũng phải tiến hành thật nhẹ nhàng. Từ khi gắn với con ba ba, hai vợ chồng cười đùa bảo rằng: “Ăn ngủ cùng ba ba hàng ngày”.
Anh nghiệm ra rằng, chỉ có làm lụng vất vả, nỗ lực học tập, chịu khó đọc sách báo, tham khảo kinh nghiệm và nhất là lòng đam mê với con ba ba giúp anh có sức mạnh và nhiệt huyết để tiếp tục với nghề sau mỗi khó khăn. Niềm vui, niềm phấn chấn ngời lên trong mắt người nông dân trung niên khi gia đình đã có đầy đủ vật dụng sinh hoạt, ba đứa con được ăn học đầy đủ, không chỉ thoát nghèo mà gia đình anh còn có thể làm giàu từ con ba ba.
Cầm đôi ba ba trên tay, người nông dân chất phác rưng rưng nói: “Tôi cảm ơn Dự án Tài chính nông thôn lắm, nhờ đồng vốn ngày ấy mà bây giờ gia đình tôi đã có của ăn của để”. Và Dự án Tài chính nông thôn cũng thật tự hào vì đã góp phần giúp con người dũng cảm này đi những bước tiên phong...
Nuôi ba ba ở miền Bắc từ đầu những năm 90 đã không còn xa lạ, song ở những vùng đất ven biển không thể cải tạo trồng trọt được thì mô hình nuôi ba ba trên cát được đánh giá là một hướng đi mới thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đem lại thu nhập cao. Câu chuyện của người nông dân mở đường nuôi ba ba trên cát làm chúng tôi bất chợt nhớ tới câu nói của nhà văn Lỗ Tấn: “Kỳ thực trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”.
Phạm Thị Ngọc Anh
Nguồn thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn