Tại xã Thuận Hòa (chủ yếu tại ấp Sa Bâu và Trà Canh B) hiện có trên 10 hộ nông dân trồng táo hồng (diện tích trên 110 công). Tại 2 ấp này trên 80% hộ dân là người dân tộc Khmer, trình độ học vấn còn hạn chế. Thêm vào đó, lại là vùng trũng, đất pha sét nên trồng lúa rất khó khăn, năng suất không cao.
Với vai trò là Chi hội trưởng nông dân ấp Sa Bâu, anh Vũ là người tiên phong vận động người dân trong ấp mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi phù hợp với đất đai, trình độ; trong đó chú trọng phát triển cây táo hồng do sản phẩm có giá bán ổn định, phù hợp với đất sét. Riêng anh Vũ đã tiên phong trồng gần 50 công táo hồng để “làm gương” vận động người dân làm theo.
Anh Vũ cho biết, bình quân sau 7 tháng trồng sẽ thu hoạch “trái chiến” và sản lượng tăng theo thời gian. Mỗi công đất trồng được từ 70 - 80 gốc táo. Sản lượng thu hoạch sau hơn 10 năm trồng sẽ bình ổn từ 80 - 100 kg/cây. Tuy nhiên, loại cây này khá tốn kém về công chăm sóc, công bẻ trái, phân - thuốc bảo vệ chống sâu, rầy nên người trồng thường có lãi xấp xỉ 60%/số tiền bán sản phẩm. Từ năm 2011 đến nay, anh Vũ đã thu về gần 600 triệu đồng/năm từ cây táo hồng, gia đình có cuộc sống sung túc…
Thấy anh Vũ “ăn nên làm ra”, khoảng 10 hộ dân lân cận đã tìm đến nhờ anh tư vấn, hướng dẫn cách trồng táo hồng, sau đó cũng đã trồng thành công loại cây ăn trái này. Ông Võ Văn Đông - ngụ ấp Sa Bâu - cho biết: “Từ khi được anh Vũ tư vấn, khuyến khích trồng táo hồng, tôi đã có nguồn thu nhập tăng nhiều so với trước. Bình quân mỗi năm tôi lời khoảng 200 triệu/diện tích 9 công đất trồng táo hồng. Số tiền không quá lớn, nhưng đối với vùng đất trũng, sét như ấp Sa Bâu là… lý tưởng”.
Anh Trần Hoàng Vũ cho biết thêm, táo hồng mỗi năm thu hoạch 2 lần, lần thứ nhất khoảng tháng 3 - tháng 4 âm lịch; lần thứ hai vào khoảng tháng 10 - tháng 11 âm lịch. Thương lái đến tận vườn thu mua. Đặc điểm của loại táo này là giòn, ngọt và ngon hơn so với một số loại táo khác; lại có khả năng vận chuyển đi xa nên thương lái rất ưa chuộng...