Thừa Thiên - Huế không dàn trải nguồn lực xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, việc ban hành bộ tiêu chí xây dựng thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020 không ngoài mục đích góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới ở những thôn, bản của các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Trong khi thu nhập của người dân còn rất thấp (nhiều xã đạt bình quân 7-8 triệu đồng/người/năm, chỉ bằng 1/4 bình quân chung), thiếu mô hình sản xuất bền vững, chưa phát huy được nội lực và điều kiện đặc thù tại chỗ, thiếu tính kết nối thành các vùng nguyên liệu sản xuất theo chuỗi.
Do vậy, xây dựng nông thôn mới tại các thôn, bản, ấp là cách thức tiếp cận mới, sáng tạo của của nhiều địa phương trong bối cảnh nguồn lực đầu tư còn hạn chế mà địa bàn các xã vùng núi, ven biển, vùng sâu, vùng xa trải rộng, lại có địa hình chia cắt, phức tạp. Thay vì tập trung đầu tư để hình thành các xã nông thôn mới ở đây, các địa phương trên đã chuyển hướng đầu tư cho các thôn, bản, ấp đạt các tiêu chí cơ bản của nông thôn mới, nơi trực tiếp tác động tới sinh hoạt, đời sống của từng hộ gia đình. Hàng năm, trong giai đoạn 2018-2020, các địa phương tổ chức đánh giá, xét công nhận thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo các tiêu chí vừa nêu trên.
Đáng chú ý, tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định thu nhập bình quân đầu người/năm của thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020 phải cao hơn từ 1,5 lần trở lên so với mức thu nhập bình quân đầu người/năm của xã đạt chuẩn nông thôn mới (tại thời điểm xét công nhận).
Bên cạnh đó, việc xây dựng thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu phải đảm bảo các tiêu chí: Không còn hộ nghèo; nhà ở, vườn hộ gia đình có hàng rào, cổng ngõ và đạt chuẩn 100%; có phương án bảo đảm an toàn khi có thiên tai (bão, lụt,…); thực hiện chỉnh trang vườn nhà và bảo đảm tỷ lệ cây xanh khoảng 75% diện tích đất vườn; tỷ lệ hộ có đất vườn được canh tác các loại cây trồng thích hợp, hiệu quả, cho sản phẩm hàng hóa, có thu nhập; có ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất; bố trí cảnh quan đẹp, hài hòa; không còn các loại cây dại, cây tạp trong khoảng 80% diện tích.
Đối với giáo dục, thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu phải đạt tỷ lệ huy động trẻ đi học mẫu giáo từ 90% trở lên; tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; trẻ em ở độ tuổi 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt từ 95% trở lên, và số còn lại đều đang học các lớp tiểu học; tỷ lệ thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 tuổi đến 18 tuổi đang học chương trình giáo dục phổ thông hoặc giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông hoặc giáo dục nghề nghiệp đạt từ 95% trở lên.
Thôn, bản được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu phải đạt và giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa” liên tục tối thiểu 3 năm. Có mô hình hoạt động văn hóa, thể thao tiêu biểu thu hút từ 60% trở lên số người dân thường trú trên địa bàn thôn tham gia. Trong 3 năm liên tục trước năm xét, công nhận thôn nông thôn mới không có công dân thường trú ở thôn phạm tội nghiêm trọng trở lên; tệ nạn xã hội được kiềm chế, giảm; được UBND xã quyết định công nhận 3 năm liền khu dân cư đạt chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”.
Năm 2018, Thừa Thiên - Huế phấn đấu tăng thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn toàn tỉnh lên 41 xã (tương đương 39,42% số xã trong chương trình). Tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu cuối năm 2020 có 61 trong số 104 xã đạt chuẩn nông thôn mới.Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn