Những diện tích đã được chuyển đổi sang cây trồng khác.
Mô hình đa canh bao gồm: trồng cây ăn quả đặc sản, trồng rau màu luân canh trên chân ruộng, trồng cây công nghiệp,…mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa giảm được nguy cơ thiên tai gây hại, ổn định đời sống và sản xuất nhân dân các địa bàn khó khăn.
Ông Lưu Minh Tài, ngụ tại thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây có 6.800 m2 đất canh tác trước đây trồng lúa độc canh. Hưởng ứng chủ trương nhà nước về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp vùng khó khăn, ông chuyển 4.000 m2 sang mô hình canh tác 2 vụ lúa và 1 vụ ương dưỡng cá giống, 2.800 m2 còn lại chuyển sang lập vườn trồng dừa. Dưới ao ông thả nuôi các loại cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao, bờ ao tận dụng trồng cỏ chăn nuôi bò. Ngoài ra, để tăng thêm thu nhập, ông còn cất chuồng trại chăn nuôi 6 con bò sinh sản.
Ông Tài cho biết, với mô hình kinh tế tổng hợp kể trên, mỗi năm, trừ chi phí ông còn lãi ròng trên 130 triệu đồng. Nhà có 3 nhân khẩu, tính ra, mỗi nhân khẩu thu nhập 44 triệu đồng/ năm. Đây là mức sinh lợi cao gấp nhiều lần so với trồng lúa thâm canh năng suất cao trước đây.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tư, xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây canh tác 2.800 m2 đất trồng lúa mỗi năm ba vụ. Năm 2012, nhận thấy cơ hội chuyển đổi cây trồng và mùa vụ đã chín mùi trước tình hình biến đổi khí hậu ảnh hưởng ngày càng rõ rệt và nặng nề, ông quyết định cải tạo để trồng chuyên canh mãng cầu xiêm. Mãng cầu xiêm dễ trồng, tỏ ra thích hợp với thổ nhưỡng vùng đất xã Long Vĩnh. Ban đầu, ông chỉ cải tạo trồng thử nghiệm trên diện tích 800 m2 với số lượng trồng được 52 gốc mãng cầu xiêm.
Sau 4 năm, vườn cây bắt đầu cho trái bói và hiện nay đang cho năng suất ổn định. Tính ra, với 52 gốc mãng cầu xiêm, mỗi năm ông thu hoạch bán được gần 64 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng gần 31 triệu đồng, cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa độc canh trước đây. Nhìn thấy hiệu quả cao và bền vững của mô hình trồng chuyên canh mãng cầu xiêm trên nền đất lúa, ông đã quyết định chuyển đổi 2.000 m2 đất trồng lúa còn lại sang trồng mãng cầu xiêm. Dự kiến vài năm nữa diện tích trên sẽ cho thu hoạch và nguồn lợi còn tăng cao hơn nữa, ông Tư phấn khởi cho biết.
Theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, giảm diện tích trồng lúa độc canh, mở rộng diện tích canh tác theo mô hình kinh tế tổng hợp hoặc đa canh, đa dạng cây trồng vật nuôi là hướng đi đúng đối với những huyện, thị vùng ven biển nhiều khó khăn, đang đứng trước thách thức biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Qua đó, không những giảm nhẹ thiệt hại thiên tai mà còn giúp nông dân tăng thêm thu nhập, ổn định sản xuất và đời sống.
Từ thực tiễn đòi hỏi, đồng thời đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, theo ông Cao Văn Hóa, tỉnh Tiền Giang đã triển khai Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” trong đó đặt trọng tâm là sử dụng linh hoạt diện tích đất trồng lúa, chuyển vụ, luân canh cây màu để nâng cao hiệu quả sử dụng đất lúa mà những mô hình kinh tế hiệu quả của những nông dân đi tiên phong: Lưu Minh Tài, Nguyễn Văn Tư,… đang được nhân rộng để bà con cùng áp dụng trong quá trình sản xuất hướng tới mục tiêu hiệu quả bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn