Nhưng việc xuất khẩu rau quả Việt sang thị trường Trung Quốc được xem là hướng ra thích hợp, trong khi việc tiếp cận các thị trường như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU… vẫn gặp nhiều khó khăn do vận chuyển xa, bảo quản dài ngày cũng như yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm còn khắt khe.
Khó bỏ được thị trường Trung Quốc
Ông Nigel Smith - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Fine Fruit Asia (Khu Công Nghiệp Hàm Kiệm 1, Xã Hàm Kiệm, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) sở hữu nhà máy được đầu tư quy mô lớn, trên diện tích gần 8.000 m2 với một hệ thống các dây chuyền phân loại, sơ chế, đóng gói và hệ thống kho lạnh phù hợp với những tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm; công suất sơ chế khoảng 3.000 tấn trên năm.
Ông nhận định: Trái cây đang là mặt hàng chiếm ưu thế trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, “điều hạn chế là rau quả của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, trong đó mặt hàng thanh long, dưa hấu, vải thiều… phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Riêng mặt hàng thanh long, hiện Trung Quốc “thống trị” khi chiếm tới 91% sản lượng thanh long xuất khẩu của Việt Nam”, ông Nigel Smith cảnh báo.
Tính đến hết năm 2017, theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT), xuất khẩu rau quả Việt Nam đã đạt hơn 3,5 tỉ USD, cao hơn rất nhiều so với các mặt hàng xuất khẩu chiến lược của nước ta như gạo, cà phê hay dầu thô. Tuy nhiên, thị trường chính của rau quả nước ta vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc. Cụ thể, cả năm 2017 kim ngạch xuất khẩu rau quả từ Việt Nam sang thị trường này lên đến 2,6 tỉ USD, chiếm hơn 74% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Trong khi đó, các thị trường đã mở cửa, miễn thuế hoa quả, rau xanh của Việt Nam như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ và một số thị trường đã có khách hàng quen thuộc ở EU cùng với những cam kết từ các Hiệp định thương mại song phương và đa phương (FTA) được coi là cơ hội lớn cho rau quả của nước ta. Nhìn vào thực tế thì Việt Nam khai thác được rất ít, thậm chí nhiều thị trường xuất khẩu rau quả không được cải thiện so với năm trước. Nguyên nhân chính là dù đã “mở cửa” từ các hiệp định này nhưng các thị trường “khó tính” lại có rào cản kỹ thuật rất khắt khe và đặc biệt là khoảng cách địa lý làm tăng chi phí cho rau quả của Việt Nam khi xuất khẩu sang các thị trường này.
Hiện rau, quả của Việt Nam như vải, chuối, thanh long, dưa hấu hoặc các loại quả như măng cụt, sầu riêng được coi là đặc sản nhưng gặp khó khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài dù các nước đang mở cửa. Nhiều mặt hàng của Việt Nam dù ngon, được người dân các nước rất thích nhưng tiếp cận thị trường khó do không có bao bì nhãn mác đẹp mắt; không được chế biến phù hợp với thị hiếu ẩm thực của người dân sở tại.
Điển hình như quả xoài của Việt Nam cũng có đến hàng chục các giống xoài khác nhau, dù người Việt rất thích ăn xoài cát Hòa Lộc nhưng có những người tiêu dùng ở các nước “khó tính” họ lại không hợp khẩu vị và cho rằng vị quá ngọt. Các chuyên gia cho rằng, chúng ta mới chỉ sản xuất những cái chúng ta có chứ chưa làm được các mặt hàng rau quả mà thế giới, người tiêu dùng cần. Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, nếu so sánh giá trị trung bình của một ký thanh long xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc trung bình chỉ bằng khoảng 1/10 giá trị xuất khẩu vào Mỹ, nhưng con đường để các doanh nghiệp vào thị trường này gian nan hơn rất nhiều so với con đường xuất khẩu sang Trung Quốc. Do vậy, biết thị trường Trung Quốc nhiều rủi ro nhưng muốn giảm vai trò của thị trường này là rất khó.
Hướng tới xuất khẩu chính ngạch
Nhiều chuyên gia khuyến cáo, Trung Quốc là thị trường lớn đầy tiềm năng với lợi thế gần về mặt địa lý đối với Việt Nam nên vô cùng thuận lợi cho việc xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là đặc thù của
các mặt hàng như nông sản. Nhiều mặt hàng rau quả rất khó bảo quản, ví dụ như vải thiều tươi nếu bảo quản không tốt là bị mất mầu đỏ tươi của vỏ quả, chuyển sang mầu đen chỉ ngay trong ngày nên chẳng thể bán được cho ai. Do đó, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính các mặt hàng vải thiều, thanh long...
Khuyến nghị của các chuyên gia, để hạn chế sự “bấp bênh” của thị trường Trung Quốc, cần tiến tới đẩy mạnh đàm phán để xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc.
Theo Bộ Công Thương, rau quả là mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm nông, thủy sản. Đến nay, hoa quả Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Mỹ (thanh long ruột trắng, ruột đỏ, chôm chôm, nhãn, vải); Nhật Bản (thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài), Hàn Quốc (thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài), New Zealand (xoài, thanh long ruột trắng và đỏ), Úc (vải, xoài)…
Thực tế cho thấy, thị trường Trung Quốc cũng ngày càng yêu cầu cao hơn về chất lượng ATVSTP, từ đó đòi hỏi chúng ta phải không ngừng nâng cao chất lượng hàng nông sản xuất khẩu để đáp ứng đủ những điều kiện kiểm soát của các nhà nhập khẩu.
VEPR cũng đưa ra cảnh báo, hiện thị trường Trung Quốc cũng có kế hoạch tiến tới quản lý nhập khẩu trái cây tương tự như các nước Mỹ, Úc,… tức là sẽ kiểm soát từ vùng trồng chứ không “dễ tính” như hiện tại nữa. Mặt khác, nếu thị trường Trung Quốc siết lại cả nhập khẩu tiểu ngạch thì Việt Nam sẽ chỉ có 8 loại quả là: thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối và mít được phép xuất khẩu chính ngạch, những loại quả còn lại phải chờ kết quả đàm phán mở cửa.
Cuối năm 2017, Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra những khuyến cáo: Nếu có thể nhận thức được tầm quan trọng to lớn của thị trường Trung Quốc và tập trung vào cải thiện chất lượng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu thị trường này đặt ra, chúng tôi cho rằng Việt Nam sẽ có cơ hội rất lớn để cải thiện tình trạng nhập siêu và thúc đẩy nền kinh tế trong thời gian tới. Nếu không đảm bảo được về chất lượng, chúng ta sẽ khó tránh khỏi các cuộc khủng hoảng dư thừa như đã diễn ra đối với các mặt hàng như thịt lơn, dưa hấu, vải trong thời gian qua.
Phát biểu tại một hội thảo về tiềm năng và cơ hội cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam được tổ chức mới đây, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD - Bộ NN&PTNT) nhận định: Trong vài năm gần đây, rau quả là sản phẩm có nhiều tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam khi thành tích xuất khẩu liên tục tăng mạnh qua từng năm. Đặc biệt là các nhà xuất khẩu Việt Nam đã mở cửa thành công một số thị trường phát triển, giá cao, qua đó tăng cơ hội đa dạng hóa và giảm thiểu rủi ro thị trường. Mặt khác, sự đầu tư mạnh mẽ của khu vực tư nhân, đặc biệt là đầu tư công nghệ cao và nhu cầu lớn, đa dạng của thị trường nội địa là một thuận lợi đáng kể của ngành rau quả.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn