Nông dân thôn Vinh Tiến, xã Trọng Quan thu hoạch khoai tây.
Những năm qua, đời sống người dân Trọng Quan không ngừng được cải thiện và nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 13,2 triệu đồng năm 2009 lên 38,4 triệu đồng năm 2017. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10% năm 2009 xuống còn 2,9% năm 2013 và 5,8% năm 2017 (theo tiêu chí đa chiều). 100% mương cấp 1 được cứng hóa. Nhà văn hóa, sân thể thao của 7 thôn được nâng cấp, sửa chữa, xây mới. Toàn xã bê tông hóa 30.000m đường giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới...
Bí thư Đảng ủy xã Phạm Sơn Hải cho biết: Trọng Quan là xã thuần nông nên nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân. Năm 2009, xã được tỉnh chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, Cấp ủy, chính quyền địa phương coi đây là cơ hội để phát triển “tam nông”. Đảng ủy xã ra nghị quyết, UBND xã xây dựng đề án, phương án, kế hoạch tổ chức thực hiện với mục tiêu “sản xuất phát triển, cuộc sống sung túc, diện mạo sạch đẹp, thôn xã văn minh, quản lý dân chủ”. Xã chọn khâu đột phá là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, trọng tâm là làm tốt công tác quy hoạch lại đồng ruộng, thực hiện dồn điền đổi thửa.
Theo Chủ tịch UBND xã Trần Văn Tiến: Việc dồn điền đổi thửa lúc đầu gặp không ít khó khăn song do quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia của các tầng lớp nhân dân nên ngay từ cuối năm 2009 xã đã hoàn thành, giảm từ 4 - 5 thửa/hộ xuống còn 1,5 thửa/hộ. Có gần 150 hộ nhận ruộng chung với nhau thành nhóm, giảm được 746 thửa, giảm cơ bản tình trạng ruộng đất manh mún, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất. Trên cơ sở các vùng đã quy hoạch, xã quy hoạch xây dựng vùng chuyên cấy lúa giống mới, chất lượng cao tại thôn Vinh Quan với diện tích hơn 120ha, 100% nông dân tham gia; vùng 2 lúa, 1 màu; vùng chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh, nuôi ếch, ba ba và cây con đặc sản khác mang lại hiệu quả kinh tế cao; cánh đồng mẫu lớn với diện tích 50,2ha, gieo trồng cùng một loại giống lúa cho năng suất cao, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Bên cạnh đó, xã phát huy thế mạnh, mở rộng diện tích cây vụ đông, bảo đảm từ 40 - 45% diện tích gieo cấy, trong đó cây khoai tây là chủ lực chiếm 60% diện tích cây vụ đông (70 - 75ha); đồng thời, duy trì 5 kho lạnh bảo đảm cung ứng giống cho nông dân trong xã và thị trường. Sau dồn điền đổi thửa, xã đưa cơ giới hóa vào các khâu của quá trình sản xuất nhằm giảm sức lao động, tăng năng suất cây trồng. Đến nay, toàn xã có 27 máy cày cỡ trung, 8 máy gặt đập liên hợp phục vụ sản xuất.
Bà Lại Thị Phụng, thôn Vinh Hoa cho biết: Nhờ chính sách hỗ trợ, thúc đẩy “tam nông” mà điện, đường, trường, trạm của xã được nâng cấp, xây mới, sản xuất, chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung, bền vững, hiệu quả cao. Gia đình tôi năm nào cũng cấy lúa chất lượng cao và trồng khoai tây vụ đông, mỗi vụ 4 - 5 sào. Mỗi năm gia đình thu nhập từ lúa và khoai tây 45 - 50 triệu đồng. Nhờ thế, chất lượng cuộc sống được nâng lên.
Từ phát triển “tam nông” đã xuất hiện điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi như ông Nguyễn Văn Cẩn, thôn Vinh Quan đi đầu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng; ông Trần Văn Hùng, thôn Vinh Hoa đầu tư dàn máy xay xát và kinh doanh lương thực, mỗi năm giúp bà con tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản; bà Lê Thị Lan, thôn Tràng Quan năng động học nghề, tìm thị trường, dạy nghề thêu cho hàng trăm hội viên nông dân, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con những lúc nông nhàn...
Thời gian tới, Trọng Quan tập trung phát triển các cây trồng, các chuỗi sản phẩm chủ lực để nâng cao đời sống nông dân gắn với tái cơ cấu sản xuất; đẩy mạnh dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Theo Thu Hiền/Báo Thái Bình.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn