Với kinh nghiệm làm nông trên 20 năm, trước đây cũng như nhiều nông dân Đà Lạt khác, anh Trúc chủ yếu trồng rau và hoa. Thế nhưng, 5 năm trở lại đây anh Trúc đã chuyển hướng sang trồng dâu tây, một loại trái cây có giá trị kinh tế cao, nhưng đặc biệt khó “chiều”.
“Bản thân và gia đình làm nông nghiệp từ năm 1992, nhưng giá trị không cao bởi tiêu thụ được phải trải qua nhiều khâu trung gian, vì vậy năm 2013 tôi đã quyết định trồng dâu tây. Để vừa làm du lịch vừa làm kinh tế tôi đã thiết kế giàn treo lơ lửng những luống dâu lên cao”, anh Trúc chia sẻ.
Anh Trúc cho biết, người trồng dâu tây chuyên nghiệp thì cần biết nhiệt độ là quan trọng nhất, nhiệt độ ban đêm khoảng 15 độ C, ban ngày dưới 30 độ C là lý tưởng để dâu phát triển và có vị ngọt thanh. Ban đầu khi mới thử nghiệm hệ thống treo giàn dâu tây lơ lửng của mình, anh Trúc chỉ làm 500 m2, thế nhưng sản lượng dâu tây đã cao gấp đôi so với những người trồng theo cách thông thường. Thấy hiệu quả, đến nay anh Trúc đã nâng diện tích trồng dâu của mình lên 9.000 m2 với 3 vườn. Dạo một vòng vườn dâu rộng 2.500 m2 của anh Trúc tại phường 11 (TP. Đà Lạt), thấy toàn bộ giá thể để trồng dâu đều là xơ dừa. Các luống dâu tây được trang bị hệ thống tưới, châm phân nhỏ giọt theo công nghệ Israel, được treo cách mặt đất 1,2 m và trồng với mật độ 8.000 cây/1.000 m2 .
Với giá 5.000 đồng/cây giống nhưng chưa đảm bảo chất lượng nên anh Trúc không mua giống bên ngoài. Để cây phát triển tốt theo ý mình, năm 2017, anh Trúc đã đầu tư hệ thống kho lạnh để ươm cây con. “Khi cây mẹ phát triển tốt, các mầm cây con sẽ nhú ra, đủ độ lớn, tôi sẽ đưa cây vào giá thể sau đó đưa vào kho lạnh để với nhiệt độ thích hợp trong 15 ngày. Cuối cùng là đưa cây dâu tây con ra trồng trên giá thể xơ dừa. Với cách làm này thì cây dâu tây giống sẽ ra hoa nhanh hơn và có tỉ lệ sống cao hơn với những cây không đưa vào kho lạnh”, anh Trúc cho biết thêm.
Năm 2013 khi xem các tài liệu về dâu tây bằng tiếng Anh và các video clip trồng dâu ở nước ngoài nên đã về nhà mày mò làm theo cách riêng của mình. “Ban đầu tôi làm theo tài liệu nhưng hệ thống nhà kính của tôi không chịu nổi trọng lượng của các luống dâu khoảng 1,5 tấn. Do đó tôi phải sửa chữa và gia cố thêm bằng các cây sắt hình chữ V hàn chéo giữa góc của các trụ và các cây ngang trên mái nhà kính”, chủ nhân vườn dâu chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thu Nhàn – vợ anh Trúc cho biết, với hệ thống giàn treo lơ lửng sẽ có nhiều ưu điểm so với cách làm truyền thống. Điều chị Nhàn thích nhất là từ khi chồng mình sáng tạo ra cách làm mới, chị không phải còng lưng ngồi dưới đất, đau cổ, đau đầu gối để hái, chăm sóc dâu tây như ngày xưa. Bên cạnh đó, chị còn có thể trồng rau bên dưới các giàn treo, tạo ra thực phẩm sạch cho gia đình, cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Hiện nay, với 9.000 m2 nhà kính trồng dâu tây, mỗi năm mang lại cho chủ nhân vườn dâu khoảng 25 tấn dâu, với giá bán từ 200 – 250.000 đồng/kg, sau khi trừ tất cả chi phí, anh Trúc lời khoảng 2,5 tỉ đồng. Thị trường tiêu thụ dâu tây của vườn dâu anh Trúc chủ yếu tại Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế đặc biệt là bán cho du khách địa phương và cả nước khi đến với Đà Lạt.
Theo Văn Long/Báo TTV.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn