Anh Phan Văn Tâm bên vườn chanh của gia đình.
Xuất thân từ gia đình nông dân, sau khi lập gia đình ra ở riêng, cha mẹ cho vợ chồng anh Tâm 4 công ruộng. Lúc đầu, anh canh tác lúa. Sau 2 năm làm ruộng thấy không hiệu quả, anh chuyển sang trồng màu (dưa leo, khổ qua). Trồng đôi ba vụ bị sâu bệnh nhiều, giá cả bấp bênh, anh thua lỗ.
Năm 2015, anh tham gia các buổi hội thảo về mô hình trồng chanh Limca không hạt để xuất khẩu, sau đó sang huyện Thủ Thừa (Long An) để tham quan học hỏi...
Cuối năm 2015, anh trồng 150 gốc chanh Limca trên diện tích 1,8 công đất, phần đất còn lại 2,2 công, anh trồng cỏ nuôi 2 con bò. Trong thời gian chăm sóc chanh, anh chăm sóc 2 con bò để sinh ra 2 bê con, phân bò được anh ủ với nấm Trichoderma, tạo nguồn phân chuồng hoai mục bón cho chanh, giảm đáng kể việc bón phân hóa học, từ đó giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận.
Theo thường lệ hàng năm, mùa chanh nghịch thường bắt đầu từ tháng 9 âm lịch đến tháng 5 âm lịch năm sau. Chanh nghịch vụ có giá cao hơn so với chính vụ. Với 1,8 công đất, sau 18 tháng trồng, vườn chanh của anh bắt đầu cho trái chính vụ, mỗi đợt 300 - 700kg chanh, giá bán từ 5.000 - 8.000 đồng/kg.
Bước sang năm thứ 3, anh xử lý nghịch vụ cây chanh vào giữa năm 2017, bằng Paclobutazol phun lên lá. Sau 3 tháng, anh thu hoạch, giá bán chanh nghịch vụ cao hơn hẳn, từ 25.000 – 26.000 đồng/kg, anh tổng thu 70 triệu, trừ chi phí đầu tư 15 triệu, còn lãi 55 triệu.
Tiếp đó các năm sau, năm nào gia đình anh cũng thu hoạch rộ chanh trái vụ, đạt năng suất lên đến 4 - 5 tấn mỗi lứa hái, cứ 20 ngày là thu một lứa.
Hiện vườn chanh của anh vẫn tiếp tục ra trái. Theo anh tính toán, trồng chanh chi phí thấp mà lãi cao, đặc biệt do anh biết áp dụng ủ phân hữu cơ để bón nên cây xanh tốt, cho quả kéo dài, hạn chế sâu bệnh hại. Được biết hiện nay, nhiều nông dân trong ấp 2 cũng lên liếp trồng cây chanh như anh Tâm.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn