Mỗi đợt trồng nấm, gia đình anh Trần Minh Tùng (ấp 6, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức) sử dụng khoảng 2.000 chai meo nấm. Sau 15-20 ngày, 1 chai meo cho từ 2,5-3kg nấm với giá bán từ 65.000-70.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình anh lãi 10-15 triệu đồng/đợt.
Nấm rơm tuy dễ trồng nhưng để đạt năng suất cao, hạn chế rủi ro trong quá trình trồng nấm thì việc thực hiện đúng quy trình và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác nấm rơm là rất cần thiết. Phần rơm thải ra sau khi trồng, nấm có thể dùng bón rau, cây ăn trái.
Anh Tùng cho biết, trồng nấm rơm ngoài kinh nghiệm sẵn có cũng cần phải tìm tòi, học tập kinh nghiệm của người đi trước, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật.
Đến nay, ấp 6, xã Nhựt Chánh có khoảng 10 hộ trồng nấm. Để có sản phẩm thường xuyên cung cấp cho thị trường và tránh tình trạng nhiều hộ cùng thu hoạch đồng loạt dẫn đến khó tiêu thụ, 4, 5 hộ dân liên kết luân phiên vần công, bảo đảm lúc nào cũng có sản phẩm cung cấp ra thị trường.
Anh Trần Minh Trí, ở ấp 6, chia sẻ: “Ngoài việc ủ rơm, đảo rơm theo phương pháp thông thường thì khi nắng nóng, người trồng có thể tìm những nơi thông thoáng lên giồng trồng nấm, tưới nước ít nhất 1 lần/ngày để giữ độ ẩm. Những tháng mưa, chọn những nơi thoát nước tốt, có nhiều bóng râm, lên giồng khít nhau, vừa hạn chế gió, mưa, vừa giữ độ ẩm, giúp meo ra tơ mạnh”.
Nhờ thực hiện quy trình kỹ thuật này, anh Trí trồng luân phiên 3 vụ nấm rơm/năm và thu lợi nhuận trên 50 triệu đồng mỗi năm.
Theo Việt Hằng/danviet.vn
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhựt Chánh – Nguyễn Kiều Đan cho biết: “Thời gian tới, xã nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, trong đó có mô hình trồng nấm rơm, hỗ trợ meo giống và tập huấn kỹ thuật trồng, giúp nông dân tìm đầu ra sản phẩm”.
Mô hình trồng nấm rơm ở ấp 6, xã Nhựt Chánh phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình, cần xây dựng tổ liên kết trồng nấm, đồng thời, nông dân cũng cần được hỗ trợ vốn, kỹ thuật và đầu ra ổn định.
Việt Hằng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn