Khơi thông nguồn lực
Không khó nhận diện những khó khăn cơ bản khi triển khai Nghị quyết 26 về "tam nông" trong thời gian qua, như sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ; tác động của biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và cực đoan, nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng chưa tương xứng.
Quá trình phát triển nông nghiệp, những yếu kém nội tại mặc dù đã được khắc phục nhiều từ khi thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành, nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghệ bảo quản sau thu hoạch chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu. Ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, chưa tạo được "đột phá" để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh, đáp ứng được sức sản xuất lớn của nền nông nghiệp hàng hóa.
Hiện ở nước ta, tỷ trọng lao động nông nghiệp còn cao so với tổng lao động xã hội, do đó năng suất lao động nông nghiệp mặc dù đã được cải thiện (năm 2017 đạt 35,5 triệu đồng/lao động), nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với khu vực công nghiệp và dịch vụ. Chất lượng lao động còn thấp; tỷ lệ lao động nông thôn đã qua đào tạo (tính cả số qua đào tạo nhưng không có bằng, chứng chỉ) chỉ đạt 34,14%. Thu nhập và đời sống của người dân nông thôn đã được cải thiện, nhưng còn thấp, mức chênh lệch với người dân đô thị có xu hướng tăng.
Trong lĩnh vực nông thôn, nhìn chung cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; công nghiệp và dịch vụ phát triển chưa đủ mạnh để "hút" khu vực nông nghiệp chuyển dịch nhanh hơn. Nông thôn vẫn hàm chứa những thành tố phát triển chưa bền vững. Môi trường nông thôn đang ngày càng có dấu hiệu nghiêm trọng ở một số địa bàn, phức tạp, khó xử lý. Kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập so với yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, cạnh tranh quốc tế và biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Ðặc biệt, chính sách về huy động các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa đủ mạnh. Ðầu tư từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế, thấp hơn nhiều so với yêu cầu, chưa đạt mục tiêu của Nghị quyết. Giai đoạn 2008 - 2017, vốn đầu tư toàn xã hội cho nông, lâm, thủy sản là 632 nghìn tỷ đồng (khoảng 1,9% GDP và bằng 5,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của cả nước là 5 triệu tỷ đồng). Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách cho phát triển nông nghiệp và nông thôn là 1,17 triệu tỷ đồng, trong đó đầu tư cho phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản là 415 nghìn tỷ đồng. Trong 5 năm (2013 - 2017) vốn đầu tư từ ngân sách cho nông nghiệp và nông thôn là 712 nghìn tỷ đồng, cao gấp 1,54 lần so với 5 năm trước đó.
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế và chính sách nông nghiệp, TS Ðặng Kim Sơn cho rằng, thời gian qua mức thu hút ngân sách cho lĩnh vực nông nghiệp chưa đạt kế hoạch, mức đầu tư của xã hội thấp, chỉ có 1% số doanh nghiệp trong nước trực tiếp làm nông nghiệp, còn đầu tư nước ngoài thì không đáng kể. Không nên để tiếp tục tồn tại thực trạng một ngành nông nghiệp đóng góp 17% GDP, 25% giá trị xuất khẩu, 70% dân số sống ở nông thôn, 48% lao động ở nông thôn nhưng chỉ hút được 5% vốn đầu tư toàn xã hội.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Ðình Quang cho biết thêm: Ðầu tư phát triển nông nghiệp và xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nhất là ở những địa phương miền núi, các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn đòi hỏi nguồn lực rất lớn.
Tận dụng cơ hội để phát triển
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, bước vào giai đoạn mới, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có nhiều cơ hội phát triển. Thị trường xuất khẩu không ngừng được mở rộng với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải đổi mới tư duy, cập nhật tri thức, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển mạnh mẽ khu vực nông thôn, miền núi.
Ðồng chí Nguyễn Xuân Cường khẳng định, phát triển nông nghiệp ngày nay gắn liền với xuất khẩu, hội nhập quốc tế, cạnh tranh ngày càng gay gắt. Vì vậy, phải tổ chức thật nhanh và hiệu quả để chuyển từ nền sản xuất nhỏ quy mô hộ thành liên kết sản xuất hàng hóa lớn. Nếu không nâng cao năng suất, chất lượng, chú trọng bảo vệ và giữ gìn uy tín nông sản Việt Nam trên trường quốc tế thì chính chúng ta tự làm khó mình. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách như: tín dụng để thu hút doanh nghiệp, ưu tiên doanh nghiệp vùng miền để liên kết với hợp tác xã, nông dân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt tối thiểu 3%; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo hơn 45%, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội chiếm ít hơn 30%. Thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Ðến năm 2025, tốc độ tăng trưởng ngành từ 3,0 đến 3,2%/năm. Số xã đạt tiêu chuẩn NTM khoảng 75%, có 18% số huyện đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn gấp hai lần so với năm 2017. Ðến năm 2030, tốc độ tăng trưởng ngành khoảng 3,0%/năm. Số xã đạt tiêu chuẩn NTM khoảng 90%, có 40% số huyện đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn gấp ba lần so với năm 2017.
Ðể đạt mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp chủ trương tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn để tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp. Ưu tiên hình thành các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến, đủ sức tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân ở những vùng sản xuất tập trung...
Ðặc biệt, trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, bên cạnh việc thực hiện Chiến lược kinh tế - xã hội nói chung, cần chú ý phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn theo hướng phát triển "nội sinh" và gia tăng giá trị, phát huy các nguồn lực tại chỗ sẵn có làm động lực phát triển như: đất đai, tài nguyên, điều kiện địa lý, công nghệ, khả năng sáng tạo, giá trị văn hóa...
Tại hội thảo "Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Nhật Bản - Những bài học từ thực tiễn" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại Hà Nội hồi đầu tháng 9-2018, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ đã nêu thí dụ cụ thể về "Chương trình mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã và đang được áp dụng ở nhiều địa phương và nhấn mạnh, cách làm này là việc tham khảo một trong những kinh nghiệm thành công trong phát triển tam nông của Nhật Bản từ những năm 1980. Sự thành công của Nhật Bản trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ là những bài học thiết thực, kinh nghiệm quý báu để cán bộ các bộ, ngành, địa phương cập nhật, tham khảo, vận dụng trong hoạch định cơ chế, chính sách cho những định hướng lớn về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Việt Nam.
Theo Quang Minh - Tâm Thời/Báo Nhân Dân.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn