Đẩy mạnh bảo vệ rừng
Tuyên Quang hiện có 424.689,40ha rừng, trong đó có 45.582,37ha rừng đặc dụng, 114.997,32ha rừng phòng hộ, 264.109,71ha rừng sản xuất. Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng luôn được các cấp, chính quyền địa phương quan tâm.
Chi cục Kiểm lâm đã kịp thời tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác bảo vệ và phát triển rừng. Chủ động phòng cháy, chữa cháy, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra. Theo dõi, cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, đề xuất các giải pháp duy trì ổn định độ che phủ rừng. Hiện, độ che phủ rừng của tỉnh đạt 65,2%, đứng thứ 3 cả nước (trung bình cả nước là 42%).
Cùng với đó, Tuyên Quang thường xuyên kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững từ tỉnh đến cơ sở, các tổ, đội bảo vệ rừng. Đến nay, toàn tỉnh có 1.629 tổ và 98 đội bảo vệ rừng, PCCCR, với18.191 người tham gia.
Đặc biệt, Chi cục Kiểm lâm đã thực hiện tốt việc bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Nhiều hành vi xâm hại rừng đã bị phát hiện, xử lý nghiêm minh, do vậy, cả về số vụ và mức độ thiệt hại rừng liên tục giảm. Cụ thể, năm 2018, Chi cục phát hiện, xử lý 529 vụ vi phạm (giảm 33 vụ so với năm 2017); năm 2019, phát hiện, xử lý 387 vụ vi phạm (giảm 142 vụ so với năm 2018).
Ông Nguyễn Bảo Anh, quyền Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tuyên Quang, cho biết, thời gian tới, Chi cục tiếp tục chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tình trạng khai thác rừng, phá rừng trái phép, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh; đồng thời phối hợp với các cấp, ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Nâng cao giá trị ngành lâm nghiệp
Thực hiện công tác quy hoạch vùng nguyên liệu đảm bảo đủ nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh, Tuyên Quang đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của 05 công ty lâm nghiệp thuộc tỉnh quản lý. Thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, Đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả rừng trồng. Do vậy, các chỉ tiêu sản xuất lâm nghiệp của tỉnh luôn hoàn thành vượt kế hoạch từ 2 đến 6%.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, năm 2019, ngành lâm nghiệp tỉnh tiếp tục phát triển, đảm bảo hiệu quả, bền vững gắn với phát triển công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn. Diện tích trồng rừng tập trung đạt 11.779ha, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng 865.509m3, vượt kế hoạch, đứng đầu khu vực phía Bắc. Giá trị sản xuất của sản phẩm đồ gỗ, bột giấy chiếm 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên 1.123 tỷ đồng, tăng 6,6% so với năm 2018.
Điểm sáng của Tuyên Quang là đã kịp thời hướng dẫn, đôn đốc thực hiện mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững, nâng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC. Hiện, tỉnh có 25.366 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Với diện tích này, Tuyên Quang là tỉnh có diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC cao nhất nước (tăng 5.579ha so với diện tích năm 2018). Triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng thuộc Chương trình mục tiêu phát triển rừng bền vững.
Để phát huy thế mạnh về lâm nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tăng năng suất, giá trị rừng trồng; phát triển lâm sản ngoài gỗ; thâm canh rừng sản xuất gỗ lớn; nâng cao giá trị sản phẩm gỗ thông qua chế biến xuất khẩu, từng bước xây dựng trung tâm chế biến gỗ lớn tại Tuyên Quang, Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang đã xây dựng và tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2035.
Ngày 12/3/2020, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá và bền vững của vùng Trung du và miền núi phía Bắc với lâm nghiệp, nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, năng suất lớn, chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử; là tỉnh hình mẫu về phát triển lâm nghiệp của cả nước, điển hình về giảm nghèo bền vững, tiến tới giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, xóa bỏ sản xuất tự cung, tự cấp nhỏ lẻ trong đồng bào dân tộc thiểu số. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn