13:32 EST Thứ sáu, 24/01/2025
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Điển hình TB, cách làm hay » Ngoài tỉnh


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Ước mơ của "ông trùm thóc"

Thứ hai - 19/11/2018 19:50
Duyên nợ với đồng ruộng nhưng thay vì trăn trở để nâng cao năng suất, anh Bùi Văn Huấn ở thôn Kinh Trang, xã Thái Dương (Bình Giang) lại tìm cách nâng cao chất lượng thóc...
Anh Huấn là người đầu tiên xây dựng lò sấy thóc ở miền Bắc. Đến nay, anh cũng là người sở hữu nhiều lò sấy nhất với 7 lò có công suất 70 tấn thóc/lò/mẻ

Anh Huấn là người đầu tiên xây dựng lò sấy thóc ở miền Bắc. Đến nay, anh cũng là người sở hữu nhiều lò sấy nhất với 7 lò có công suất 70 tấn thóc/lò/mẻ

Trân trọng từng hạt thóc

Những cơn gió lạnh đầu mùa đã mang đi không khí sản xuất sôi nổi của vụ lúa vừa thu hoạch và để lại những cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ. Thế nhưng, tại lò sấy của anh Huấn vẫn còn thơm mùi thóc mới. Tiếng động cơ nghe êm tai như tiếng thóc reo bởi chỉ vài giờ đồng hồ nữa, mẻ thóc cuối cùng sẽ ra lò, kết thúc một vụ lúa đầy thắng lợi. Dù vậy, anh Huấn vẫn thấp thỏm không yên, chốc chốc lại ra lò kiểm tra. Làm nghề đã nhiều năm nhưng chỉ khi thóc được đóng vào bao, vận chuyển lên xe tải xuất đi, anh mới thở phào nhẹ nhõm.

Thấy ông chủ lò sấy bảnh bao hơn lần gặp trước, tôi cố ý trêu đùa, anh ngượng ngùng nói: "Anh cũng thấy vướng víu khi mặc sơ mi, quần âu, không tiện làm việc nhưng do vừa thành lập HTX, anh là giám đốc rồi nên phải ra dáng để còn tiếp đối tác, chứ không thể xuề xòa như xưa được".

Tuy mang dáng vẻ mới song gương mặt chất phác, chất chứa suy tư của anh vẫn không thay đổi, thậm chí nếp nhăn còn nhiều hơn, nỗi lo càng lớn hơn theo thời gian. Trước đây, anh Huấn sửa chữa xe máy tại nhà đúng như nguyện vọng muốn con cái được thoát ly đồng ruộng của bố mẹ. Cuộc sống không khá giả nhưng cũng ổn định, ít bấp bênh hơn nghề nông nên anh cũng tạm hài lòng. Trong một lần cất lại nóc nhà, anh mới nhận ra rằng công việc đã gắn bó 10 năm không phải là ước mơ mà chỉ là lựa chọn để thoát khỏi đói nghèo. Nhấp một ngụm trà nóng, anh Huấn chậm rãi kể: “Từ trên cao, phóng tầm mắt ra xa nhìn cánh đồng lúa chín vàng óng, tận hưởng cảm giác yên bình của làng quê, bất giác tôi cảm thấy chạnh lòng. Khao khát được vùng vẫy giữa đồng ruộng mênh mông trong tôi trỗi dậy...”.

Sau khi suy đi tính lại, năm 2012, anh Huấn quyết định dồn hết vốn liếng tích cóp bao năm và chạy vạy vay mượn khắp nơi để mua 1 chiếc máy gặt, bất chấp sự phản đối của gia đình. Anh vẫn nhớ như in cảm giác lần đầu tiên đưa máy ra đồng. Sự háo hức, tò mò của người dân khi vứt liềm, quang gánh để đổ dồn đi xem máy gặt khiến anh thích thú, mãn nguyện. Anh đã mường tượng ra một ngày không xa, nông dân sẽ không còn vất vả, một nắng hai sương để có được hạt thóc vì đã có máy móc hỗ trợ. Nhưng thực tế lại không như anh hình dung. Máy to trong khi ruộng nhỏ nên rất khó thu hoạch. Mặt khác, nếu gặt máy sẽ để lại vết hằn lớn trên bề mặt ruộng, không thuận tiện cho việc làm đất. Vì thế, anh phải đầu tư thêm 1 máy làm đất cỡ lớn để khắc phục nhược điểm của máy gặt. Dù vậy, anh cũng chỉ làm dịch vụ cầm chừng do ruộng manh mún, người dân vẫn làm tranh thủ nên máy móc chưa thật sự cần thiết. 

Những tưởng mọi thứ rơi vào bế tắc thì đến năm 2014, địa phương thực hiện dồn điền, đổi thửa. Đồng ruộng ít bị chia cắt bởi bờ vùng, bờ thửa thì giấc mơ "đại điền" của anh Huấn được thắp lại. Anh vừa mua, vừa thuê được 50 mẫu ruộng để thỏa mong ước cơ giới hóa sản xuất. Sẵn ruộng lớn, anh mua thêm máy cấy cầm tay phục vụ nhu cầu của gia đình. Thế nhưng trở ngại cũ chưa qua thì khó khăn mới lại ập đến. Bao nhiêu mồ hôi công sức đổ xuống đồng bỗng chốc tiêu tan vì khâu bảo quản thóc sau thu hoạch. “Nhiều khi nước mắt hòa cùng với nước mưa, tôi bất lực nhìn những cơn mưa cuốn trôi từng hạt thóc vừa mới được phơi. Rồi phải phó mặc để những đợt nắng gay gắt cướp đi thành quả lao động”, anh Huấn tâm sự.

Quyết không nản lòng, đầu năm 2015, anh Huấn khăn gói vào An Giang để tìm hiểu mô hình sấy thóc của ông vua lò sấy Năm Nhã. Anh nhận thấy sấy thóc chính là công đoạn quan trọng, giúp bảo quản thóc tốt hơn trong khi đó người dân đang vừa thiếu, vừa yếu ở khâu này. Nhờ ham học hỏi, chịu khó tìm tòi mà anh Huấn là người đầu tiên xây dựng lò sấy thóc ở khu vực miền Bắc. Và đến nay, anh cũng là người sở hữu nhiều lò sấy nhất với 7 lò có công suất 70 tấn thóc/lò/mẻ. Do làm chủ được kỹ thuật nên tỷ lệ thất thoát thóc giảm đáng kể so với phơi thủ công và chất lượng thóc cũng đồng đều hơn.

Tiếng lành đồn xa, nhiều đơn vị kinh doanh thóc gạo tìm đến anh ngỏ ý hợp tác. Giờ đây, anh Huấn là "trùm" thu mua và phân phối thóc ở miền Bắc. Xưởng sấy thóc của anh hoạt động ngày đêm vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Năm 2017, anh Huấn thành lập HTX Minh Huấn. Và thành quả sau bao năm vất vả chính là lời tuyên bố dõng dạc của anh: “Với năng lực hiện tại, tôi có thể bao tiêu toàn bộ sản lượng thóc nếp và Bắc thơm số 7 của miền Bắc. Tôi là bạn hàng thân thiết của các HTX Dịch vụ nông nghiệp ở các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Ninh”.

Hướng tới sản xuất lúa khép kín

Khi đã thành công trong việc giữ chất lượng tốt nhất cho hạt thóc thì mong mỏi của anh Huấn lại lớn hơn. Đó là áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất, từ cây lúa đến hạt thóc, rồi cuối cùng là hạt gạo, tất cả đều thực hiện theo quy trình khép kín để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho nông dân.

Nói là làm, năm 2017 anh Huấn mạnh tay chi gần 2 tỷ đồng để mua 4 máy cấy, 2 dây chuyền gieo mạ khay và 6 vạn khay. Theo anh Huấn, trong quy trình sản xuất lúa, người dân đã dần quen với máy làm đất, máy gặt, chỉ có máy cấy vẫn chưa phổ biến nên anh tập trung đầu tư cho công đoạn này. Chất lượng mạ và kỹ thuật gieo cấy ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh trưởng của cây lúa cũng như chi phí sản xuất về sau, vậy mà người dân vẫn thực hiện thủ công. Anh quả quyết: “Tôi không dám nhận mình là người đi đầu trong cấy máy nhưng tôi sẽ cố gắng trở thành người làm lớn, làm bài bản nhất để nông dân bớt vất vả và nhận ra được lợi ích của cấy máy. Hiện nay, tôi đã thành lập trung tâm sản xuất mạ khay để phục vụ bà con trong và ngoài tỉnh. Tuy mới triển khai song tôi đã nhận được sự ủng hộ và tin tưởng của đông đảo người dân. Vì vậy, vụ tới tôi sẽ phát triển lên 10 vạn khay mạ”.

 Anh Huấn vừa nhanh tay lật từng khay mạ vừa hào hứng khoe HTX của anh mới được lựa chọn là đơn vị điểm để trình diễn mô hình sản xuất mạ khay. Nhìn gương mặt hân hoan, rạng ngời của anh đã đủ thấy anh tâm huyết với công việc này như thế nào. Thế nhưng, ánh mắt của anh vẫn phảng phất lo âu. “Ai cũng bảo tôi tham công tiếc việc, cố làm một nghề cho chín còn hơn chín nghề. Vì hiện tại, tôi đã thu lãi khoảng 4 tỷ đồng mỗi năm từ nghề sấy thóc. Dù biết vậy song tôi vẫn muốn sản xuất lúa phải đồng bộ. Nếu chú trọng khâu này mà bỏ qua khâu kia thì không thể khai thác hết hiệu quả kinh tế của cây lúa”, anh Huấn tâm sự.

Vì đã tự chủ được các bước từ làm đất, gieo mạ khay, cấy máy, bảo quản sau thu hoạch, anh Huấn càng khát khao thực hiện được công đoạn cuối cùng trước khi hạt gạo tới tay người tiêu dùng là xay xát. Dự định này đã được anh ấp ủ từ lâu và đã lên kế hoạch cụ thể nhưng do chưa kiểm soát đồng bộ các khâu trước nên anh chưa dám mạo hiểm thực hiện. Anh Huấn luôn trăn trở Hải Dương là vựa lúa mà các cơ sở xay xát vẫn còn nhỏ lẻ. Thóc sấy khô, anh đều phải mang sang Hưng Yên để xay xát, vì thế chi phí sẽ đội lên cao. Nếu các cấp, các ngành tạo điều kiện, anh khẳng định xây dựng một nhà máy xay xát xứng tầm với tiềm năng lúa gạo của tỉnh. Và ước mong tạo được quy trình sản xuất lúa gạo khép kín của anh Huấn sẽ trở thành hiện thực.

Chia sẻ về những việc anh Huấn đã và đang làm đối với cây lúa, hạt thóc, bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng mô hình của anh Huấn đã mở hướng đi mới cho ngành lúa gạo của tỉnh vì đã tháo gỡ được khó khăn trong khâu bảo quản sau thu hoạch. Nhờ vậy, chất lượng thóc gạo được cải thiện, giá trị sản xuất cũng nâng lên. Ý tưởng xây dựng quy trình sản xuất lúa gạo khép kín của anh Huấn phù hợp với định hướng phát triển sản xuất lúa hàng hóa, tập trung của tỉnh. Vì vậy, sở sẽ tạo điều kiện tối đa để anh Huấn sớm có thể thực hiện dự định. Đây chính là nền tảng để thúc đẩy sản xuất lúa gạo của tỉnh phát triển.

Nguồn: http://baohaiduong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 239

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 236


Hôm nayHôm nay : 68593

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1329527

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 74376498