Năm 2016, từ sự khởi xướng của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh, một số hộ dân tại ấp Phú Hưng 1, xã Bình Phú bắt đầu làm quen với loại cây còn xa lạ với tập quán trồng trọt của nông dân nơi đây, trong đó người tiên phong trồng gấc là ông Phan Trung Hòa, một nông dân sản xuất giỏi, dầy dạn kinh nghiệm...
Ông Phan Trung Hòa bên vườn gấc của gia đình.
Ông Hòa kể : “Trước đây tôi chuyên làm lúa giống phân phối cho bà con tại địa phương. Nhận thấy tình trạng biến đổi khí hậu sản xuất ngày càng phức tạp, tôi chuyển sang trồng gấc với mô hình DAV đã và đang mang lại kết quả rất khả quan.
Lý giải về mô hình DAV, ông Hòa cho biết : D là dây leo; A là ao mương; V là vườn cây ăn trái. Cụ thể trên diện tích 6.000 mét vuông đất ông Hòa đã trồng 150 dây gấc; dưới mặt nước ao mương ông thả nuôi cá chẽm, cá trê…; xung quanh ao ông trồng 150 gốc dừa xiêm xanh lùn. Mới đây ông đã trồng xen thêm 200 gốc cà na Thái Lan dự kiến thu hoạch vào năm 2020. Mô hình trồng trọt, chăn nuôi liên hoàn này đã phát huy tác dụng, tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng thu nhập cho người nông dân.
Vườn gấc rất sai quả của gia đình ông Phan Trung Hòa.
Sáng tạo của ông Hòa là tận dụng các gốc dừa để làm trụ giăng dây cho gấc bám vào ra trái. Bóng mát của giàn gấc làm cho đàn cá phát triển nhanh. Những gốc cà na trồng xen giữa các dây gấc nên khi phun tưới sẽ làm mát cả hai loại cây trồng cùng lúc. Cạnh đó với nguồn phân từ 10 con bò nuôi ngoài việc thiết kế các hầm Biogas để lấy ga đun nấu, ông còn dùng phân bò để bón cho các gốc gấc nên trái to, căng, thơm ngon, an toàn.
Theo tính toán của ông Hòa, bình quân mỗi dây gấc sẽ cho 100 trái/năm; mỗi trái có trọng lượng từ 1,2 đến 1,5 kg; giá bán bình quân cả năm từ 9.000 đến 10.000/kg. Với số lượng 150 dây gấc, trừ hết các khoản chi phí đầu tư, ông Hòa có lãi mỗi năm từ 150 đến 170 triệu đồng. Đó là chưa kể đến nguồn thu nhập từ đàn bò và 150 gốc dừa xiêm xanh mỗi năm trên 100 triệu đồng.
Ông Hòa kể thêm : Gấc là loại dây leo quan trọng nhất là khâu chăm sóc. Chế độ bón phân phải chặt chẽ kết hợp giữa phân hữu cơ lẫn vô cơ. Đặc biệt nhất là phải chú ý tận diệt 3 mầm nguy hiểm của cây gấc là sâu ăn lá, rầy mềm, rệp sáp. Với mỗi loại côn trùng, ông Hòa tận diệt bằng những loại thuốc khác nhau vừa đảm bảm an toàn thục phẩm cho trái, vừa diệt tận gốc sâu rấy phá hoại. Quan trọng nhất phải mua gấc giống tại các Viện cây ăn quả để đảm bảo chất lượng.
Cũng theo ông Hòa: mật độ trồng gấc tốt nhất là 25 dây/1.000 mét vuông; Gấc sau khi trồng khoãng 3 tháng thì bắt đầu cho trái. Bình quân mỗi năm người trồng gấc thu hoạch 3 đợt, mỗi đợt thu hoạch cách nhau khoảng 45 ngày. Thu hoạch gấc mùa thuận thường từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch; mùa nghịch từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch. Tuổi thọ bình quăn của mỗi dây gấc từ 6 đến 7 năm. Cứ sau 3 đợt thu hoạch trái, người trồng gấc phải cắt bỏ phần ngọn chỉ chừa lại phần gốc để các tược mới phát triển (gọi là “đao dây” gấc) .Thị trường tiêu thụ gấc mạnh nhất hiện nay là TP.HCM. Gấc thu mua được xuất khẩu sang các nước dùng chiết xuất các loại mỹ phẩm, chế biến thức ăn, dược phẩm…
Thấy hiệu quả kinh tế vượt trội, đã có nhiều nông dân từ các huyện Cầu Kè ( Trà Vinh); Mang Thít, Vũng Liêm ( Vĩnh Long) đã gia nhập Tổ hợp tác trồng gấc do ông Hòa làm tổ trưởng kiêm kỹ thuật viên. Riêng tại ấp Phú Hưng 1 đã có 4 ha chuyển đổi từ các cây màu sang trồng gấc mang lại thu nhập cao.
Ông Trần Văn Tám, thành viên của tổ phấn khởi nói : “Từ khi chuyển đổi bầu, bí sang trồng gấc, nguồn lãi mang về tăng gấp đôi lại nhẹ công chăm sóc, sướng nhất là chuyện thu hoạch đến đâu có thương lái đến tận nhà thu mua”.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Phú cho biết thêm: "Hội sẽ tạo điều kiện để Tổ hợp tác trồng gấc chuyển sang mô hình Hợp tác xã để người trồng có nhiều thuận lợi. Cạnh đó Hội cũng khuyến cáo người trồng tập trung nâng cao chất lượng trái; mở rộng thị trường tiêu thụ để nông dân có lãi nhiều hơn”.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn