Vào những ngày đất nước sang xuân mới, chúng tôi đến tỉnh Quảng Ngãi - nơi có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa với 2 danh thắng nổi tiếng là “núi Ấn, sông Trà”; đặc biệt, đây là địa phương tập trung thực hiện linh hoạt và hiệu quả các chính sách, giải pháp và nguồn lực thúc đẩy kinh tế phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Đổi thay ở huyện đảo
Trong cuộc hành trình trên miền quê giữa vùng duyên hải Nam Trung Bộ này, điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là huyện đảo Lý Sơn, chỉ sau 30 phút đi tàu cao tốc tính từ lúc rời cảng Sa Kỳ đến hòn đảo đẹp nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa. Được tận mắt chứng kiến sự đổi thay của Lý Sơn, bây giờ có điện thắp sáng, những cánh đồng tỏi xanh mướt, những con tàu đầy ắp cá tôm cập bến, những con đường rực rỡ sắc màu cờ hoa, chúng tôi cảm nhận sâu sắc và rõ ràng hơn về cuộc sống ấm no, bình yên của hơn 20 nghìn người dân đang sinh sống trên hòn đảo “tiền tiêu” của Tổ quốc.
Đón xuân năm nay, huyện đảo Lý Sơn vẫn đang thay da đổi thịt từng ngày, không còn cảnh vắng lặng, nghèo nàn như mấy năm trước. Ông Trường Tồn, 78 tuổi, ở thôn Đông (xã An Hải) mãn nguyện trước nhịp sống hối hả của quê hương...
Ông Tồn bồi hồi nhớ lại, thời gian qua, nhờ huyện triển khai nhiều chương trình giải pháp, trong đó có nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, cả 3 thế hệ trong gia đình có nhà ở vững chắc, không sợ nắng mưa, gió to sóng lớn; các con đều chủ động vươn khơi đánh bắt tôm - cá, thâm canh đồng ruộng và 5 người cháu đều được NHCSXH hỗ trợ vay vốn ưu đãi để về thành phố học hành đến nơi đến chốn.
Cựu chiến binh Dương Văn Nhiều đã có 3 lần được tiếp cận các chương trình tín dụng chính sách. Với tổng số tiền 130 triệu đồng vay vốn NHCSXH, ông đầu tư vào thâm canh 4 sào tỏi giữa vùng đất cằn của nham thạch núi lửa, kết hợp nuôi 24 lồng cá bớp trên mặt biển. Mỗi năm, thu hoạch hàng chục tấn sản phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi, ông lãi được trên 200 triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình ông Nhiều đủ đầy hơn, xây nhà mới khoáng đạt, mua xe ô tô tải nhỏ phục vụ sản xuất và khách thập phương ra đảo tham quan, du lịch.
Giống như ông Nhiều, gia đình ông Dương Văn Hợp ở thôn Đông được vay vốn NHCSXH để mua sắm ngư lưới cụ đi biển và cho các con được đi học. Đến nay, gia đình ông Hợp đã thoát nghèo, vươn lên khá giả, xây được nhà khang trang, kiên cố. Khi du lịch trên đảo phát triển, ông Hợp dành 3 phòng để kinh doanh dịch vụ nghỉ homestay.
Trên vũng neo thuyền xã An Hải, ông Trần Thiện có 24 ô nuôi cá lồng bè. Cách đây 3 năm, nhận thấy tiềm năng của nghề nuôi cá lồng bè trên biển, ông Thiện chuyển đổi nghề và đầu tư khoảng 20 triệu đồng/ô. Nguồn vốn ưu đãi 50 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm từ NHCSXH đã tiếp sức cho ông Thiện thực hiện dự định của mình. Hiện, ông Thiện thu lãi từ các bè cá khoảng 300 triệu đồng/năm.
Không chỉ riêng nhà ông Tồn, ông Nhiều, ông Hợp, ông Thiện mà trên toàn huyện Lý Sơn, hầu hết hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đều được vay vốn ưu đãi thuận lợi, sử dụng hiệu quả vốn vay, duy trì nghề truyền thống đánh cá và phát triển nghề trồng tỏi.
18 mùa xuân qua, NHCSXH huyện Lý Sơn đã luôn bền bỉ, tận tâm bám dân, bám đảo chuyển tải trên 94 tỷ đồng về khắp làng quê để cho từng hộ nghèo, từng đối tượng chính sách vay vốn kịp thời vào vụ vươn khơi đánh bắt hải sản, thâm canh năng suất cây trồng, vật nuôi, góp phần quan trọng làm cho miền đất “tiền tiêu” của Tổ quốc thêm trù phú, khởi sắc.
“Biến khó khăn thành cơ hội phát triển”
Chia tay đảo xa Lý Sơn, chúng tôi đến Trà Bồng - huyện miền núi cao nằm về phía Tây tỉnh Quảng Ngãi - được thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ, trong đó có các chương trình tín dụng ưu đãi do NHCSXH tổ chức thực hiện. Đây là nguồn lực trực tiếp giúp đồng bào DTTS Trà Bồng thực hiện khát vọng vươn lên thoát nghèo và cải thiện cuộc sống.
Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Võ Văn Rân cho biết: Là vùng miền núi dân tộc với xuất phát điểm kinh tế thấp, khó khăn còn nhiều nhưng luôn phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm “biến khó khăn thành cơ hội phát triển” triển khai nhiều chương trình, dự án, trong đó tập trung nguồn vốn tín dụng chính sách đúng nhu cầu, sát thực tế. Huyện tăng cường chỉ đạo các cấp, ngành tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp và động viên hướng dẫn người dân sử dụng nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống, thoát nghèo bền vững.
Năm 2019, doanh số cho vay của NHCSXH huyện Trà Bồng đạt trên 73 tỷ đồng, tăng 17 tỷ đồng so với năm trước, nâng tổng dư nợ đến nay đạt trên 233 tỷ đồng với 5.386 hộ còn dư nợ.
Bây giờ, người nghèo và bà con DTTS huyện Trà Bồng đã có thể vay vốn chính sách dễ dàng ngay tại quê hương, lại còn được cán bộ ngân hàng hướng dẫn sử dụng vốn vay kết hợp với khai hoang, mở đất, làm thủy lợi nội đồng, trồng rừng, xây nhà kiên cố để yên tâm sinh sống, sản xuất.
Gia đình ông Hồ Văn Quang, dân tộc Cor, là hộ nghèo ở thôn Sơn Bàn (xã Trà Sơn) vay vốn NHCSXH cải tạo đồi hoang thành vườn cây ăn quả đặc sản với bưởi da xanh, bơ, dứa và rừng keo xanh tốt. Từ đồng vốn ưu đãi truyền lực mà gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống no đủ, tươi vui. Hiện mô hình kinh tế của gia đình ông Quang được huyện Trà Bồng chọn làm điểm giới thiệu cho các hộ dân trên địa bàn đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm về sử dụng vốn vay chính sách và áp dụng kỹ thuật trồng trọt đạt năng suất cao, thoát nghèo nhanh, làm giàu chính đáng.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi Trần Duy Cường khẳng định, 18 năm qua, hệ thống NHCSXH của tỉnh đã cùng nhau tạo lập được nguồn vốn tăng trưởng nhanh, nợ quá hạn thấp, tiêu biểu có huyện đảo Lý Sơn và huyện vùng cao Trà Bồng nhiều năm liền không có nợ quá hạn.
Dòng vốn tín dụng chính sách đã và đang chảy đều đặn, thấm sâu trong lòng đất, nảy mầm trong cuộc sống, bừng sáng khắp miền “núi Ấn, sông Trà”. Đón xuân mới Canh Tý, những người làm tín dụng chính sách trên non ngàn, ngoài biển khơi Quảng Ngãi vẫn lăn lộn, tận tụy, say mê với công việc thường nhật: truyền tải thật nhanh nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ đắc lực kế hoạch phát triển kinh tế và chương trình an sinh xã hội của địa phương.