Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn phòng không 77 (Quân khu 7) tham gia xây dựng nông thôn mới tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hùng Khoa
Tạo được phong trào mạnh mẽ, rộng khắp
Từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, đặc biệt trong 3 năm gần đây, cuộc sống người dân xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đã thật sự khởi sắc. Phát triển GTNT là một trong những ưu tiên hàng đầu của địa phương. Đường trong xã đã bê tông hóa, nối liền với các thôn, xã liền kề. Khi giao thông thuận lợi, hàng hóa, nông sản của người dân mang đi tiêu thụ dễ dàng hơn, kinh tế của nhiều hộ gia đình nhờ vậy mà khấm khá hơn, trẻ em đến trường không còn phải lo bùn đất lầy lội. Theo UBND xã Phong Dụ, năm 2014, người dân trong xã đã tham gia hiến hơn 2.600m2 đất làm đường nội thôn. Bên cạnh đó, các tuyến đường liên xã xuất phát từ Phong Dụ cũng đã được mở ra, như đường Phong Dụ-Hà Lâu, Phong Dụ-Đại Dực thay thế cho đường cũ chật hẹp.
Có thể nói, giúp dân xây dựng NTM, trong đó có làm đường GTNT cũng là hoạt động thường xuyên của lực lượng vũ trang. Thực hiện phong trào thi đua "Quân đội chung sức xây dựng NTM" do Bộ Quốc phòng phát động, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã đóng góp sức người, sức của, sát cánh cùng nhân dân, chính quyền địa phương trong thực hiện phong trào này. Mới gần đây, hơn 400 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 9, Sư đoàn 8 (Quân khu 9) tham gia giúp chính quyền và người dân ấp Bà Chủ, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) bê tông hóa đường GTNT với chiều dài gần 4km. Ngay sau đó, cán bộ, chiến sĩ đơn vị tiếp tục đến ấp 2, xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, cùng với người dân, các cấp chính quyền hoàn thành 2,5km đường bê tông. Theo Trung tá Nguyễn Văn Đời, Phó chính ủy Trung đoàn 9, địa phương lo vật liệu còn bộ đội góp sức để làm nên những con đường mới. “Nhìn gương mặt rạng rỡ của bà con khi đi lại đường bê tông vừa hoàn thành cũng là niềm vui khôn tả của chúng tôi. Từ nhiều năm nay, giúp dân xây dựng NTM đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của đơn vị, góp phần thắt chặt thêm tình cảm quân dân”, Trung tá Nguyễn Văn Đời chia sẻ.
Sơ kết phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2011-2015, toàn quân đã lao động hơn 2 triệu ngày công, đóng góp hơn 1.400 tỷ đồng xây dựng NTM, trong có phát triển mạng lưới GTNT. Nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong phong trào thi đua được nhân rộng, tạo hiệu quả thiết thực, mang ý nghĩa chính trị, kinh tế và văn hóa, xã hội cao.
Trong quá trình tập trung phát triển GTNT, nhiều địa phương đã đúc rút ra những kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như tại tỉnh Đồng Tháp, đến nay, xe cơ giới bốn bánh đã đến được trung tâm các xã, vùng cù lao được đầu tư nâng cấp bến khách ngang sông, nhờ vậy hàng hóa nông sản vận chuyển thuận tiện, người dân đi lại dễ dàng. Tính đến hết tháng 6-2015 vừa qua, Đồng Tháp đã có 42/119 xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông. Chia sẻ kinh nghiệm phát triển GTNT, ông Nguyễn Văn Cống, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Đồng Tháp cho biết: "Làm cầu, làm đường chính là đáp ứng nguyện vọng của người dân, nên công tác vận động của chúng tôi rất thuận lợi, thông qua chính quyền địa phương, chức sắc, tôn giáo, người có uy tín, đi đến đâu nhân dân đều nhiệt tình hưởng ứng. Huy động nguồn vốn cũng bằng nhiều hình thức, người dân hiến đất, góp công, vốn đối ứng của Nhà nước, ngân sách địa phương, xin tiền từ nhà tài trợ... Quan trọng nhất là huy động được sức của toàn xã hội”.
Tại hội nghị mới đây về công tác xây dựng, quản lý GTNT (2010-2015), Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM khẳng định, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, chương trình đã trở thành phong trào rộng khắp, mạnh mẽ từ đồng bằng đến miền núi, vùng cao, vùng khó khăn. Theo Phó thủ tướng, nếu trông chờ vào ngân sách Nhà nước, tính trung bình mỗi xã chỉ được vài trăm triệu, nhưng nhờ huy động được nguồn lực rất lớn từ xã hội nên trong 5 năm qua, khối lượng “khổng lồ” hệ thống GTNT đã được hoàn thành. Từ kinh nghiệm của các địa phương qua tổng kết 5 năm xây dựng, quản lý GTNT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, muốn huy động được nguồn lực, không chỉ cần đa dạng hóa các hình thức mà còn phải công khai minh bạch, để các tổ chức, người dân tin tưởng, từ đó biến thành hành động.
Tập trung thêm nguồn lực phát triển GTNT
Theo số liệu của Bộ GTVT, đến tháng 5-2015, cả nước có 2.239 xã trên cả nước (bằng 25,1% tổng số xã) đạt tiêu chí về GTNT trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, vượt 5,1% so với mục tiêu tổng quát. Mặc dù vậy, từ nay đến năm 2020, cần thực hiện thêm ít nhất 25% nữa để hoàn thành tỷ lệ 50% số xã đạt tiêu chí này. Trong số các địa phương chưa hoàn thành tiêu chí về GTNT, phần lớn nằm ở các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đời sống người dân còn nghèo khó, thách thức đặt ra trong giai đoạn trước mắt là không nhỏ. Để hoàn thành mục tiêu, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là huy động vốn. So với nhu cầu, nguồn vốn thiếu hụt rất lớn. Ước tính, kinh phí để hoàn thành các tiêu chí về GTNT cần hơn 200.000 tỷ đồng. Trong 5 năm tới, mỗi năm cần 40.000 tỷ đồng, chưa kể các xã cần xây dựng cầu để nối đến trung tâm huyện. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT đang phối hợp với các bộ, ngành, báo cáo Chính phủ để xác định lại các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó tập trung nguồn vốn ngân sách cho phát triển GTNT. “Chúng tôi cũng sẽ tranh thủ các nguồn vốn ODA, ngoài ra, cùng với địa phương tăng cường vận động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, những người có điều kiện đóng góp xây dựng GTNT”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ.
Thực tế cho thấy, nguồn lực từ người dân đã góp phần đáng kể trong xây dựng hệ thống GTNT. Định hướng phát triển GTNT giai đoạn 2016 - 2020, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu, trong huy động người dân đóng góp phải chú ý vừa sức dân, không được huy động quá sức. Đặc biệt, cần lưu ý đến hộ nghèo, người nghèo, đối với vùng đồng bào nghèo, ngân sách Nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng phải chiếm 90-100%. “Chính phủ nghiêm cấm huy động người nghèo đóng góp tiền xây dựng công trình theo tiêu chí NTM, nếu người nghèo góp công, góp sức phải tạo điều kiện để họ có thêm thu nhập”, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh. Bên cạnh đó, việc phân bổ nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh xuống huyện, xã phải rất rõ ràng, ưu tiên nhiều hơn cho khu vực khó khăn. Qua kiểm tra một số địa phương, Phó thủ tướng lưu ý, việc gì dân làm được phải giao cho dân. Ví dụ như làm đường GTNT, có nơi người dân tự làm chỉ bằng 2/3, thậm chí 1/2 kinh phí so với Nhà nước làm. Người dân còn ra sức chăm lo, bảo vệ, bảo dưỡng cho tuyến đường họ xây dựng. Đồng thời, cần xác định phát triển GTNT gắn với xây dựng NTM là công việc lâu dài, cần phải kiên trì, không nóng vội, làm đến đâu chắc đến đó để bảo đảm chất lượng công trình.
MẠNH HƯNG
theo qdnd
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn