Khi Thanh Hóa tiến hành Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, rất nhiều DN, nhà khoa học, nhà quản lí đều quan tâm.
Bởi lẽ đây là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp thuộc dạng tốp đầu ở miền Bắc với rất nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản chiếm tỉ trọng lớn, quan trọng.
TĂNG TRƯỞNG ẤN TƯỢNG
Trong những năm qua, mặc dù nền kinh tế cả nước gặp rất nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế, nhưng tỉnh Thanh Hóa vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng vô cùng ấn tượng, trong đó ngành nông nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Theo đó, giai đoạn 2011 - 2013 kinh tế Thanh Hóa đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 11%, riêng ngành nông nghiệp tăng trưởng 0,9%. Nhìn vào cơ cấu ngành nông nghiệp của Thanh Hóa thấy rõ sự tụt giảm về lượng nhưng gia tăng về giá trị khi tốc độ tăng giá trị SX nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2011 - 2013 đạt 5,1%/năm.
Thêm vào đó là sự chuyển dịch rất đúng hướng khi lĩnh vực thủy sản và lâm nghiệp tăng, nông nghiệp giảm dần.
Theo chia sẻ của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ NN-PTNT về đề án tái cơ cấu, chăn nuôi được coi là lĩnh vực mũi nhọn trong SX nông nghiệp. Điều đáng mừng nhất là tính đến hết năm 2013 chăn nuôi trang trại tại Thanh Hóa chiếm gần 30% về số đầu con và 37% về sản phẩm với 1.500 con bò sữa, 65.000 con lợn hướng nạc.
Hiện nay, Cty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) góp vốn thành lập Cty TNHH Bò sữa Thống Nhất và cam kết đầu tư 2.200 tỉ đồng, quy mô 26.000 con giai đoạn từ năm 2013 - 2020. Tiếp đến, Cty CP Sữa và Thực phẩm TH cam kết đầu tư Dự án Chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp khoảng 20.000 con giai đoạn 2014 - 2016 với tổng vốn 3.200 tỷ đồng tại các huyện Nông Cống và Như Thanh.
Bên cạnh đó, Cty CP TĂCN Thái Dương cam kết thực hiện Dự án đầu tư liên hiệp SX TĂCN công suất 100.000 tấn/năm, nuôi lợn và chế biến nông sản với quy mô 70.000 con tại huyện miền núi Ngọc Lặc. Một khi các dự án tầm cỡ trên đi vào hoạt động, sẽ nâng tầm ngành nông nghiệp Thanh Hóa vươn lên thuộc tốp đầu của cả nước.
ĐỘT PHÁ BỀN VỮNG
Là tỉnh có đầy đủ thế mạnh nông nghiệp ở nhiều vùng sinh thái khác nhau từ đồng bằng, miền núi trung du đến ven biển nên tỉnh Thanh Hóa xác định mục tiêu trong quá trình tái cơ cấu theo hướng đột phá về quy mô, năng suất, chất lượng để tăng hiệu quả cạnh tranh.
Thanh Hóa là một trong những địa phương có Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp sớm nhất. Để hỗ trợ có hiệu quả cho Thanh Hóa, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết sẽ cử các đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp sát sao cùng Thanh Hóa thực hiện các chương trình trong Đề án tái cơ cấu của tỉnh. |
Trao đổi với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến nhấn mạnh, Thanh Hóa sẽ tái cơ cấu theo hướng tăng khả năng cạnh tranh các sản phẩm mà địa phương có lợi thế nhằm đảm bảo tăng trưởng nông nghiệp với tốc độ cao (5% trở lên) và bền vững.
Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hình thành được nền nông nghiệp hàng hóa lớn, công nghệ cao, có thương hiệu mạnh và hướng tới xuất khẩu (chiếm 50% trở lên).
Mục tiêu cụ thể, tỉnh Thanh Hóa đặt kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 là 0,5%, trong đó nông nghiệp 3,8%, lâm nghiệp 11,8% và thủy sản 7,3%. Tỉ lệ giá trị sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 chiếm 30,2%, năm 2025 là 50,1%.
Đến năm 2020 cơ bản hình thành các vùng SX hàng hóa tập trung với lúa chất lượng 126.000 ha, lúa giống 6.000 ha, ngô thâm canh 20.000 ha, mía thâm canh 20.000 ha, rau an toàn 12.000 ha, cây ăn quả có múi 500 ha, hoa công nghệ cao 100 ha, cỏ và cây làm TĂCN gần 13.000 ha.
Về chăn nuôi, thủy sản quy hoạch 50.000 con bò sữa, 30.000 con bò thịt chất lượng cao, lợn hướng nạc 50.000 con, gà lông màu 8 triệu con, 1.500 ha ngao, 1.000 ha cá rô phi XK, tôm thẻ chân trắng 500 ha và khai thác thủy sản xa bờ khoảng 86.000 tấn.
Riêng với lĩnh vực lâm nghiệp, ngoài việc xây dựng thâm canh khoảng 30.000 ha luồng và 15.000 ha quế tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu trồng được 56.000 ha gỗ lớn có gía trị kinh tế cao.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn