Để có nguồn thu “khủng” từ trang trại dê, anh nông dân Đinh Văn Quỳnh (xã Kỳ Phú, Nho Quan, Ninh Bình) cho biết, một trong những yếu tố cần thiết để đi tới thành công với mô hình nuôi dê như hiện nay đó là cần chú trọng khâu kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng dê cái sinh sản.
Chia sẻ về cách chăm sóc, nuôi dưỡng dê cái mang thai, anh Quỳnh lưu ý về khoảng thời gian từ 18- 25 ngày sau khi dê cái phối giống, cần theo dõi để phát hiện động đực. Nếu không thấy dê cái động đực trở lại, có thể dê cái đã thụ thai.
Đặc biệt cần ghi chép ngày phối giống có chửa để dự báo ngày dê đẻ. Quan trọng hơn nữa là trong thời gian mang thai của dê trung bình 150 ngày (biến động trong khoảng 145-157 ngày), cần cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống cho dê phát triển tốt và dê có nhiều sữa sau khi sinh. (Nếu nuôi theo phương thức bán chăn thả thì tùy theo tình hình và năng suất bãi chăn, lượng thức ăn thô bổ sung tại chuồng có thể bằng ½ khẩu phần nêu trên).
Không nhốt chung dê cái có chửa với dê đực giống. Không chăn thả dê chửa quá xa, không dồn đuổi, đánh đập dê, đặc biệt là vào thời gian chửa cuối.
Cần chú ý đặc biệt đối với dê chửa lần đầu: hàng ngày xoa bóp nhẹ bầu vú để kích thích tuyến sữa phát triển và tập cho dê quen dần với việc vắt sữa sau này.
Đối với dê cái đã đẻ nhiều lứa, đang cho con bú hoặc đang vắt sữa: một tuần trước khi đẻ cần tiến hành cạn sữa cho dê bằng cách giảm dần số lần cho con bú hoặc vắt sữa từ một lần/ngày xuống còn hai ngày một lần, ba ngày một lần rồi cắt hẳn, đồng thời giảm lượng thức ăn tinh, thức ăn nhiều nước.
Trước khi dê đẻ 7- 10 ngày, nhốt riêng từng con vào chuồng ấm, yên tĩnh và đã được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Giảm bớt thức ăn tinh ở những dê cái có năng suất sữa cao để tránh viêm vú, sốt sữa. Cần chuẩn bị cũi, lót ổ nằm cho dê con. Chuẩn bị cồn iốt, kéo, chỉ khâu, giẻ lau và bố trí người trực đẻ. Khi dê cái có biểu hiện khó chịu, đái dắt, bụng sa, bầu vú căng và âm hộ sưng đỏ, có dịch đặc chảy thành dòng là dê sắp đẻ. Dê bắt đầu đẻ khi bọc nước ối vỡ, thai được đẩy ra theo nhịp rặn đẻ của dê mẹ và thông thường dê cái đẻ trong vòng từ 1- 4 giờ, tùy theo số lượng thai và vị trí của thai.
Trường hợp đẻ khó, thai bị kẹt, cần can thiệp bằng cách dùng tay đã sát trùng đẩy thai theo chiều thuận rồi nhẹ nhàng kéo ra theo nhịp rặn của dê mẹ. Trong khoảng 4 giờ sau khi đẻ hết con, nhau thai ra. Cần thu dọn nhau thai, không để cho dê mẹ ăn. Nếu quá 4 giờ mà nhau thai chưa ra thì mời bác sỹ thú y can thiệp. Luôn dọn vệ sinh ổ đẻ, lau sạch bầu vú và âm hộ dê mẹ.
Nếu dê mẹ bị cương sưng nầm vú thì chườm nước nóng và vắt bớt sữa, Ngay sau khi dê mẹ đẻ, cho uống nước muối ấm 0,5% hoặc nước đường 5- 10%. Hàng ngày cho dê mẹ ăn thức ăn thô, thức ăn tinh chất lượng tốt (không cho ăn quá nhiều thức ăn tinh và thức ăn củ quả vào những ngày đầu sau khi đẻ).
Nguồn: danviet.vn