Những cành ổi nặng trĩu quả của gia đình chị Dương Thị Hiệp.
Chị Hiệp cho biết: “Gia đình tham gia trồng ổi tính đến nay là 10 năm. Trước đây, tôi trồng lúa nhưng thu nhập thấp và vất vả lắm. Thấy mọi người chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng ổi rất hiệu quả, gia đình tôi cũng làm theo”.
Lúc đầu, chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật, chị Hiệp chỉ dám trồng thử nghiệm vài chục gốc trên diện tích 1 sào đất của gia đình. Sau thấy việc chăm sóc ổi nhàn nhã, thu nhập cao, chị mạnh dạn đấu thầu thêm 6 sào đất của xã để nhân rộng lên đến 200 gốc ổi.
Theo chị Hiệp, kỹ thuật trồng ổi Đông Dư không có gì đặc biệt, chỉ cần chú ý không làm vỡ bầu, không trồng quá sâu hoặc quá nông, phải tính đến độ lún của đất, để sau khi tưới đẫm hoặc mưa to làm cho cây lún sâu xuống đất, cổ cây vẫn ngang với mặt đất.
Muốn giống ổi ngon, sản lượng cao phải chú ý tưới nước, bón phân đều đặn. Tuy cây ổi chịu hạn và chịu úng tốt nhưng vẫn cần tưới nhiều nước và yêu cầu phải bón nhiều phân cho ổi, nhất là đạm.
Giống ổi Đông Dư rất ít bị sâu bệnh vì nguồn giống thuộc hàng chuẩn và cho thu quả quanh năm, trong đó 2 vụ mùa và vụ chiêm thu 10 tấn quả/năm/vụ, các vụ còn lại cho năng suất cao không kém. “Do có thương hiệu nên chúng tôi không phải “lăn tăn” vì đầu ra đã được thương lái ở các tỉnh như Thanh Hóa, Hải Dương... bao tiêu tận vườn” - chị Hiệp cho biết.
Từ trồng ổi, mỗi năm gia đình chị Hiệp cũng thu nhập gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn có hơn 2 sào đất trồng rau gia vị như tía tô, mùi tàu... Chăm chỉ làm ăn, chị cũng có thêm khoản thu hơn 50 triệu đồng/năm.
Anh Nguyễn Thống Nhất - Chủ tịch Hội ND xã Đông Dư cho hay: “Gia đình chị Hiệp là một trong những hộ ND sản xuất kinh doanh giỏi của xã. Nhờ nghề trồng ổi, chị đã có điều kiện nuôi 2 con học đại học. Bên cạnh đó, chị còn tạo việc làm thời vụ cho 2-3 lao động tại địa phương, với mức lương 100.000-150.000 đồng/người/ngày.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn