Đó là kết luận của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trong buổi họp khẩn chiều ngày 14/3 để bàn giải pháp khống chế và ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) lây lan theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Buổi họp có sự tham gia của đại diện lãnh đạo UBND, lãnh đạo Sở, Chi cục Chăn nuôi và Thú y 17 tỉnh có dịch, và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ NN&PTNT.
Theo báo cáo, từ ngày 01/02-14/3/2019 (cập nhật đến 9h00), bệnh DTLCP đã xảy ra tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La và Nghệ An), với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 23.442 con.
Tính đến ngày 12/3/2019, Cục Thú y đã tổ chức lấy tổng cộng 2.929 mẫu giám sát, dương tính 1.310 mẫu; trong đó mẫu lấy từ các hộ có lợn bị bệnh là 1.881 mẫu (dương tính 1.299 mẫu), mẫu giám sát tại các hộ xung quanh hộ có lợn bị bệnh là 1.048 mẫu (dương tính 11 mẫu).
Cục trưởng Cục Thú y, ông Phạm Văn Đông cho biết, bệnh DTLCP chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt; chưa xuất hiện DTLCP tại các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn (đàn lớn nhất là 587 con đã buộc phải tiêu hủy tại TP. Hải Phòng). Nguy cơ bệnh DTLCP tiếp tục được phát hiện ở nhiều địa phương khác trong thời gian tới là rất cao.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, mặc dù đã thực hiện chủ động và khá đồng bộ các biện pháp, nhưng bệnh Dịch tả lợn châu Phi với con đường lan truyền phức tạp nên khó kiểm soát một cách triệt để. Trong khi bệnh này hiện không có vắc xin phòng bệnh hay thuốc điều trị nên chỉ có giải quyết an toàn sinh học phải được thực hiện triệt để.
Trong đó, 3 khu vực trọng điểm có nguy cơ phải đối mặt với bệnh DTLCP trong thời gian tới nếu không được kiểm soát tốt, đó là vùng Đồng bằng sông Hồng với số lợn bệnh hiện đang ở mức cao nhất, miền núi phía Bắc với địa hình phức tạp, các tỉnh miền Nam với hệ thống sông nước dày đặc, xung quanh là thị trường khổng lồ thành phố HCM. “Nếu để lây lan sang các khu vực này thì thiệt hại vô cùng lớn, đe dọa phải mất thời gian dài mới khôi phục được ngành chăn nuôi”, Bộ trưởng nói.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu phải tập trung đồng bộ tất cả các giải pháp theo đúng quy định của Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ. Trên cơ sở đó, các tỉnh rà soát, hoàn thiện lại kế hoạch phòng chống dịch của mình một cách cụ thể và chi tiết, từ giải pháp kỹ thuật, biện pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện, điều kiện đảm bảo,…
Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ, phải lấy nhóm giải pháp xử lý an toàn sinh học bằng vôi bột đặt lên hàng đầu, xử lý môi trường triệt để ngay từ hộ chăn nuôi. Việc sử dụng vôi bột không những tốt cho đàn lợn mà còn mang lại lợi ích cho các vật nuôi khác. Thứ hai là phải xử lý thức ăn nuôi lợn bằng phương pháp xử lý nhiệt. Xử lý an toàn sinh học ngay cả người chăn nuôi ngay sau khi di chuyển từ vùng có dịch về.
Đối với các trang trại lớn, yêu cầu áp dụng khẩn trương các biện pháp an toàn sinh học tăng cường hơn nhiều lần so với trước. Yêu cầu lãnh đạo các tỉnh quán triệt đến các trang trại chăn nuôi lớn nâng cao cảnh giác, nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh lây lan.
Về các quy trình xử lý dịch, đề nghị hoàn thiện bổ sung đầy đủ, xem xét cân nhắc việc lấy mẫu xét nghiệm phù hợp, theo đúng tỉ lệ lợn mắc bệnh và không mắc bệnh, tránh tình trạng quá tải phòng xét nghiệm.
Kiểm soát quá trình luân chuyển đàn lợn, từ phương tiện, người vận chuyển, biện pháp thú y hành chính, biện pháp lấy mẫu phân tích dịch bệnh, đặc biệt lưu ý các chốt trạm luân chuyển giữa các vùng, các tỉnh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đặc biệt lưu ý truyền thông cần tuyên truyền để người dân, xã hội, thị trường không quay lưng lại với thịt lợn. Bộ trưởng khẳng định ổ dịch xảy ra đâu thì đã được kiểm soát ngay và về bản chất bệnh này không lây sang người.
Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng giao Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, các đơn vị liên quan chuẩn bị xây dựng kế hoạch để Bộ Nông nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế mời Tổ chức Thú Thế giới (OIE), Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), các tập đoàn sản xuất thuốc thú y để bàn giải pháp bền vững, lâu dài với loại bệnh này, trong đó tập trung vào xây dựng đề án sản xuất vắc xin phòng bệnh DTLCP. Đồng thời Cục Thú y cần nghiêm túc nghiên cứu, coi đó là nhiệm vụ tìm ra phương thức lan truyền của dịch bệnh này.
Theo NLA (Mard.gov.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn