Báo NTNN vừa nhận được bài viết của ông Nguyễn Hữu Huân- Phó Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NNPTNT) về vấn đề này. NTNN xin trích đăng một số nội dung để bà con nông dân tham khảo.
Thuốc BVTV cần được quản lý chặt chẽ về chất lượng và phân phối để đem lại hiệu quả cho nhà nông. |
Tiếp thị siêu nhanh
Đầu tháng 8 vừa qua, UBND xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) phối hợp cùng một số công ty, cơ quan chuyên trách về nông nghiệp tổ chức buổi tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn, giới thiệu cho các hộ xã viên sử dụng thuốc BVTV an toàn. Tuy nhiên, trong các tài liệu hướng dẫn được phát cho bà con không hề có dòng chữ nào đả động đến tác hại của thuốc trừ sâu, cách phòng trừ, đeo dụng cụ bảo hộ khi phun thuốc.
Thay vào đó, họ giới thiệu hàng loạt các loại thuốc hóa học dùng trong suốt vòng đời cây lúa. Khi ra về, xã viên còn được "khuyến mãi" mấy gói thuốc đem về… dùng thử. Đây là loại hình tiếp thị bán thuốc BVTV theo kiểu bán hàng tiêu dùng nhanh, như là bột giặt, xà bông, dầu gội, mỹ phẩm…
Đối với các loại hàng hóa này có những đặc trưng sau: Sản phẩm thông dụng bán lẻ, bán nhanh, giá rẻ, tuổi thọ ngắn, nhu cầu tiêu dùng cao, lợi nhuận thấp nhưng doanh số cao, mạng phân phối rộng… Điều này dẫn đến nông dân sử dụng thuốc theo cảm tính, giá cả và chiến lược bán hàng rầm rộ của các công ty thuốc.
Thuốc BVTV mới chỉ là thuốc pha trộn
Bà con nông dân sẽ thấy rất rõ ràng rằng, hướng dẫn sử dụng thuốc của cơ quan nông nghiệp và công ty thuốc BVTV hoàn toàn khác nhau về bản chất. Thực tế, đối với ngành thuốc BVTV trong vòng 20 năm qua, rất ít hoạt chất thuốc mới được phát minh, đăng ký sử dụng trên thế giới.
Ở Việt Nam, danh mục thuốc kéo dài hàng năm cũng chỉ là "pha trộn" các hoạt chất đã được sản xuất ra từ những năm 1970, 1980 với những tỷ lệ phần trăm hoạt chất khác nhau, sẽ cho ra tên thuốc BVTV "mới". Nhưng với các chiêu thức quảng bá của các công ty, bà con khi sử dụng các loại thuốc BVTV này cứ nhầm tưởng rằng mình đang sử dụng loại thuốc mới, xịn nhất thế giới, mà không ngờ rằng khi càng phun thuốc trừ sâu trong ruộng lúa họ sẽ bị mất nhiều hơn là đạt được.
Ngành nông nghiệp của cả nước đã và đang tiếp tục thực hiện nhiều chương trình, dự án khuyến nông, thông tin tuyên truyền, tập huấn cho bà con nông dân về các biện pháp thâm canh tăng năng suất cây trồng theo hướng bền vững như trên cây lúa có Chương trình IPM, thâm canh lúa cải tiến (SRI), "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", công nghệ sinh thái, sử dụng nấm xanh nấm trắng diệt sâu rầy; cây rau, quả có Chương trình IPM, VietGAP…
Các chương trình này đều nhằm mục tiêu chung là tạo ra nông sản sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và giúp bà con tăng lợi nhuận, giảm chi phí sản xuất, giảm nguy cơ do tiếp xúc thường xuyên với hóa chất nông nghiệp (phân bón vô cơ, thuốc BVTV hóa học…), giữ gìn môi trường nông thôn xanh và sạch.
Nguyễn Hữu Huân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn