Chăn nuôi theo hướng trang trại (TT) đang phát triển mạnh ở các địa phương trong cả nước về số lượng lẫn quy mô đã mang lại hiệu quả cho người dân, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho khu vực nông thôn.
Tuy nhiên nhiều TT vẫn gặp nhiều khó khăn như quỹ đất, vốn để mở rộng quy mô, thiếu liên kết SX, giá bán sản phẩm còn thấp… Đâu là giải pháp để chăn nuôi TT phát triển bền vững?
Tính liên kết chưa cao
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), hiện cả nước có khoảng 6.348 TT chăn nuôi, do điều kiện quỹ đất, thức ăn chăn nuôi phong phú, công nghiệp chế biến thức ăn phát triển và thị trường tiêu thụ lớn nên TT chăn nuôi phân bố chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng (2.454 TT chiếm 38,7%); Đông Nam bộ (1.845 TT, chiếm 29,2%); ĐBSCL (657 TT, chiếm 10,3%)...
Các vùng Đông Bắc, Tây Bắc đất đai rộng, nhưng mật độ TT lại rất thấp, trong đó chủ yếu là TT chăn nuôi trâu, bò. Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho biết, đa số quy mô TT còn nhỏ, có những TT chỉ 0,5 - 1 ha; các địa phương thiếu sự quy hoạch tổng thể và lâu dài, dẫn tới TT phát triển manh mún, mạnh ai nấy làm.
Tính liên kết trong phát triển kinh tế TT chưa cao, nên chưa hình thành được vùng SX hàng hóa tập trung. Do đó, sản phẩm chăn nuôi làm ra vẫn không bán trực tiếp được cho DN chế biến mà đều qua khâu trung gian là thương lái nên bị ép giá.
Thủ tục giao đất, cho thuê đất còn nhiều trở ngại; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm làm hạn chế việc đầu tư của các chủ TT vì không có tài sản chế thấp để vay vốn mở rộng SX. Do xuất phát các chủ TT đều là nông dân nên trình độ về quản lý, chuyên môn về kinh tế TT còn kém, dẫn tới nhiều lúc không định hình được việc nuôi bao nhiêu để đủ bán ra thị trường, mà vẫn nuôi dựa vào kinh nghiệm là chính.
Trình độ quản lý, khoa học công nghệ và trang thiết bị chăn nuôi, thú y, chế biến thực phẩm còn lạc hậu, năng suất vật nuôi thấp, giá thành sản phẩm cao. Việc tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi của các TT rất khó khăn mà vẫn vay từ vốn của các ngân hàng thương mại…
Tại Hà Nội, có trên 2.000 TT chăn nuôi, trong đó chăn nuôi lợn có 566 TT tập trung ở các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Quốc Oai, Thanh Oai, Ứng Hòa… chăn nuôi gia cầm có 2.147 TT ở các huyện Đông Anh, Chương Mỹ, Ba Vì, Phú Xuyên…
Ngoài những chính sách hỗ trợ của nhà nước, các chủ TT cần có kế hoạch, xây dựng đề án phát triển chăn nuôi, đầu tư chuồng trại, trang thiết bị tiên tiến phù hợp với từng loại vật nuôi và đặc điểm khí hậu của từng vùng. Các TT cần liên kết chặt chẽ với DN chế biến để bán sản phẩm trực tiếp cho họ với giá cao và giảm các chi phí đầu vào, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. |
Hiện nay thủ tục phát triển kinh tế TT, đưa chăn nuôi ra ngoài khu dân cư, công tác dồn điền đổi thửa còn nhiều bất cập. Ngoài ra, nguồn vốn để mở rộng quy mô TT cũng là vấn đề nan giải. Để đầu tư xây dựng một TT phải mất đến hàng tỷ đồng, với kinh phí này không phải người chăn nuôi nào cũng có. Chủ TT chăn nuôi ở Chương Mỹ, Nguyễn Văn Hải cho biết, với quy mô khu chăn nuôi hơn 3 ha, để đầu tư xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống làm mát cho động vật, khu nhà ở công nhân… tốn đến 15 tỷ đồng.
Trong khi đó, vay vốn ngân hàng nhà nước với lãi suất ưu đãi không được, TT phải vay của các ngân hàng thương mại với lãi suất cao. Với quy mô trên 300 nái và 4.000 lợn thương phẩm, nhưng giá lợn trong khoảng 2 năm nay đều xuống thấp, lỗ hoặc hòa vốn, TT chỉ hoạt động cầm chừng.
Gắn với chế biến giết mổ
Để tháo gỡ vướng mắc trong phát triển kinh tế TT, các địa phương phải chú ý khi quy hoạch TT chăn nuôi cần gắn với xây dựng hệ thống đầu tư cơ sở giết mổ để tạo đầu ra thuận lợi. Nhà nước nên cho phép chuyển đổi tối thiểu 15% đất nông nghiệp, chủ yếu là đất trồng lúa hiệu quả thấp sang phát triển chăn nuôi (xây dựng TT và trồng cây thức ăn chăn nuôi).
Khuyến khích TT tăng cường hoạt động gia công, liên kết với người chăn nuôi thông qua hỗ trợ đào tạo, tập huấn. Xây dựng và hỗ trợ chính sách tín dụng ưu đãi cho người chăn nuôi được khoanh nợ, giãn nợ, được vay mới với lãi suất ưu đãi để đầu tư chăn nuôi ra nước ngoài...
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang cho rằng, cần đào tạo cho các chủ TT về nghiệp vụ quản lý kinh tế TT để nắm rõ nhu cầu thị trường với mục đích đầu tư cho phù hợp. Đào tạo, tập huấn cho người chăn nuôi đặc biệt là các chủ TT về công tác chọn giống, lai tạo giống để có lượng giống chất lượng tốt cũng như quản lý TT, giết mổ, chế biến, xử lý môi trường trong chăn nuôi để nâng cao chất lượng sản phẩm. Có chính sách hỗ trợ kỹ thuật và một phần kinh phí xây dựng ban đầu cho các TT cải tạo chuồng trại có hệ thống xử lý môi trường phù hợp.
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn