Nhờ dự án, nhiều hộ đầu tư nuôi dê thoát nghèo
Chúng tôi đến thăm một số hộ dân nghèo ở ấp 3B, xã Xuân Bắc và ấp Bình Tân, xã Xuân Phú (Xuân Lộc) được hỗ trợ vật nuôi của dự án.
Anh Trịnh Thanh Liêm phấn khởi tâm sự: “Vợ chồng tôi chẳng có tài sản gì khác ngoài căn nhà gỗ này, nên đành phải mượn bố mẹ miếng đất nhỏ gần nhà trồng ít bắp, đậu để kiếm cái ăn. Nhờ dự án khuyến nông, gia đình tôi đã có vốn để mua dê giống. Đến nay đàn dê có 5 con”.
Theo anh Liêm, nuôi dê không cực khổ như heo mà giá bán lại cao (khoảng 150.000 đ/kg). Từ khi nuôi, đàn dê luôn khỏe mạnh. Một năm đẻ được 2 lứa, lứa đầu tiên thường đẻ 1 con, từ lứa thứ hai trở đi có khi 2 - 3 con. Anh Liêm chọn lựa những con khỏe mạnh để tiếp tục gây giống, còn những con yếu đem bán.
Tương tự, gia đình anh Lê Thanh Tiết (ấp 3B, xã Xuân Bắc) cũng được dự án hỗ trợ 5 triệu đồng mua 3 con dê cái. Đồng thời, gia đình anh vay mượn thêm 10 triệu đồng để tăng đàn thêm 8 con dê giống. Sau một thời gian nuôi, anh xuất chuồng 25 con dê thịt trị giá 30 triệu đồng, hiện tổng đàn còn 13 con (5 con mang thai, 5 hậu bị, 3 con theo mẹ).
Anh Tiết chia sẻ: “Cả nhà tôi có 6 thành viên nhưng chỉ có 1 sào đất để trồng bắp. Trước kia đi làm mướn, thu nhập không ổn định khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nhờ dự án gia đình tôi có đàn dê, thật mừng quá!”. Những lần trên xã tổ chức các lớp tập huấn, vợ chồng anh Tiết đều hăng hái thay nhau đi dự để áp dụng chăm sóc đàn dê khỏe mạnh, sinh sản tốt.
Dự án khuyến nông cho hộ nghèo thực hiện trong 4 năm (2012-2015) trên phạm vi 10 huyện, thị thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai nhằm trang bị kiến thức, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người nghèo để phát triển SX, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Có 5.000 hộ hưởng lợi từ dự án, trong đó 1.480 hộ được hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp, ưu tiên cho vùng sâu vùng xa... |
Còn gia đình chị Đào Thị Hoa (ấp Bình Tân, xã Xuân Phú) không nuôi dê nhưng khi được dự án khuyến nông hỗ trợ 5 triệu đồng và huyện ủng hộ thêm 3 triệu, gia đình chị gom thêm vốn mua được con bò cái để gây đàn.
Theo dự án, mỗi hộ được hỗ trợ giống, kỹ thuật, vật tư nông nghiệp không quá 5 triệu đồng. Tuy vốn hỗ trợ ít, nhưng hiệu quả mang lại khá cao. Vì sau một thời gian được cán bộ khuyến nông trực tiếp xuống từng hộ để “cầm tay chỉ việc” thì đa số người dân đều có kiến thức SX.
“Để thực hiện tốt dự án, từ cán bộ cấp huyện đến cấp xã cùng phối hợp nhau rất chặt chẽ. Đồng thời, chúng tôi đề nghị các hộ dân thực hiện đúng quy định, nếu ai nhận con giống mà không nuôi được thì nhường cho hộ khác nuôi chứ không được bán. Nhờ quản lý chặt chẽ nên các hộ rất chịu khó chăm sóc và có đàn dê khỏe mạnh”, một cán bộ khuyến nông huyện Xuân Lộc chia sẻ.
Ông Châu Thanh An, Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai cho biết, dự án khuyến nông hỗ trợ SX của tỉnh đã góp phần giúp cho hộ nghèo giảm bớt khó khăn về vốn SX. Thông qua tập huấn và thực tế SX, các hộ dân đã nắm được khá tốt quy trình kỹ thuật thiết kế, xây dựng chuồng trại, chăm sóc, phòng trị bệnh cho vật nuôi. Đặc biệt, dự án đã góp phần giảm bớt tỷ lệ hộ nghèo. Cụ thể, trong số 957 hộ (năm 2012, 2013) được hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp... thì có 583 hộ đã thoát nghèo, đạt tỷ lệ 60,9%. Tính đến hết quý III/2014, kế hoạch thực hiện dự án đạt 70%...
MINH VƯƠNG - HẢI AN
Theo: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn