Chăn nuôi trên đệm lót sinh học
Tại Đồng Tháp, Trung tâm KNQG vừa tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chuyên đề “Sử dụng đệm lót sinh học (ĐLSH) trong chăn nuôi ở các tỉnh ĐBSCL” với sự tham dự của lãnh đạo Trung tâm KN 13 tỉnh ĐBSCL, các nhà khoa học cùng 350 nông dân.
Theo Cục Chăn nuôi, khảo sát việc sử dụng biện pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi từ 55/63 tỉnh, TP cho thấy, trong tổng số 12.427 trang trại có 729 trang trại làm ĐLSH, chiếm 6,37%; 3.950 trang trại sử dụng bể biogas, chiếm 4,13%. Trong tổng số 5,6 triệu hộ chăn nuôi có 61.400 hộ sử dụng ĐLSH, chiếm 1,10%; 231.200 hộ sử dụng bể biogas, chiếm 4,13%.
Số hộ sử dụng ĐLSH ít hơn biogas, song có xu hướng phát triển mạnh, góp phần giảm khí phát thải nhà kính và bền vững trong tương lai.
ĐLSH là một trong những công nghệ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ việc giảm mùi hôi, chất thải rắn, tiết kiệm chi phí lao động, nước để vệ sinh chuồng trại... Vật nuôi không mắc phải nhiều loại bệnh như tiêu chảy, bệnh hen, bệnh về da, hô hấp. Tăng khả năng sinh trưởng, giảm tiêu tốn thức ăn, tăng chất lượng thịt và trứng...
Qua quá trình nghiên cứu cho thấy, ĐLSH giúp người chăn nuôi tăng thêm thu nhập từ khi bắt đầu thả nuôi đến khi xuất chuồng so với cách chăn nuôi truyền thống là 13,6 triệu đồng/1.000 con.
TS Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm KNQG đã đánh giá cao công tác tổ chức diễn đàn, đã thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học với sự tham gia đông đảo bà con ĐBSCL. Nhiều báo cáo khoa học đã cung cấp thông tin cần thiết cho các bộ khuyến nông và nông dân. Trung tâm KNQG đề nghị các tỉnh đẩy mạnh chăn nuôi trên ĐLSH trong thời gian tới... |
Tại diễn đàn, các đại biểu trao đổi, thảo luận một số vấn đề về công tác quản lý chất thải trong chăn nuôi; hiệu quả từ các mô hình xử lý chất thải chăn nuôi thông qua ĐLSH; giới thiệu các TBKT; khắc phục những hạn chế của ĐLSH...
Tuy nhiên, việc chưa nắm vững kỹ thuật sử dụng ĐLSH cũng là vấn đề nan giải của các hộ chăn nuôi.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Phú Thọ, một hộ chăn nuôi heo ở Đồng Tháp nói: "Đã 5 năm sử dụng ĐLSH, nhưng đến nay tôi vẫn thấy nó chưa thật sự mang lại hiệu quả cao do heo nuôi đạt đến trọng lượng trên 50 kg/con thì thải phân, nước tiểu nhiều mà chỉ tập trung một nơi nên rất khó xử lý, tốn nhiều thời gian. Nếu ngăn ra từng khu vực cách ly để thả heo quay vòng cách nhau 3 - 4 tháng thì ĐLSH lại chai cứng".
Một chuyên gia chia sẻ: "Nuôi heo đạt trọng lượng trên 60 kg cần có biện pháp ngăn chuồng để heo không thải phân, nước tiểu tập trung. ĐLSH bị chai cứng là do một thời gian dài nhóm vi sinh vật trong ĐLSH không có dinh dưỡng. Để khắc phục tình trạng trên nên xới tơi đệm lót, không để đệm trống trong thời gian dài".
Ông Mai Thế Hào, Cục Chăn nuôi kiến nghị: "Chăn nuôi phải tuân thủ tiêm phòng, cải tạo, thiết kế chuồng nuôi thông thoáng, xây dựng bể xi măng để heo nghỉ ngơi khi nóng, thả nuôi theo mật độ hợp lý.
Hộ chăn nuôi phải cam kết về vấn đề bảo vệ trường. Ngoài ra, việc sử dụng các vật liệu để làm ĐLSH cũng phải có sự chọn lọc từ những sản phẩm thiên nhiên, không độc hại".
Thông qua các báo cáo, các ý kiến tham luận và trao đổi tại diễn đàn, đề xuất các giải pháp mới, các sáng kiến trong quá trình xử lý chất thải chăn nuôi, khắc phục những hạn chế để tăng hiệu quả việc sử dụng công nghệ xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường, lựa chọn vật liệu làm ĐLSH và phát triển chăn nuôi bền vững...
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn