Những tiện ích này được phát triển qua dự án “Viễn thám dữ liệu địa lý cho nông nghiệp và nước ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”. Đây là chương trình hợp tác giữa Chính phủ Hà Lan và Việt Nam thông qua Cơ quan Vũ trụ Hà Lan (NSO) và Bộ NNPTNT cùng một số doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu trong nước.
Ngồi nhà vẫn thăm được ruộng
Sau 2 năm triển khai, mới đây, các đối tác thực hiện dự án này đã giới thiệu ứng dụng Sat4rice – một ứng dụng giúp nông dân, nhà quản lý và các doanh nghiệp tiếp cận các thông tin về sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL một cách chính xác và nhanh chóng.
PGS-TS Dương Văn Chín - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (DT ARC) giải thích, với sự hỗ trợ của Cơ quan vũ trụ Hà Lan, các thông tin đầy đủ về từng thửa ruộng như diện tích, vị trí trên bản đồ vệ tinh, quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa, tình hình nước tưới… được cập nhật lên vệ tinh. Sau đó, thông qua điện thoại thông minh, nông dân có thể ngồi nhà mà vẫn thăm đồng được, thậm chí có thể "thấy tận mắt" hình ảnh ruộng lúa nhà mình. Cũng qua ứng dụng này, nông dân được dự báo trước ngày thu hoạch của ruộng lúa, từ đó, chuẩn bị máy gặt đập, kho chứa, nhân công… một cách hợp lý để việc thu hoạch hiệu quả hơn.
Ứng dụng công nghệ viễn thám giúp nông dân biết được tình hình phát triển của cây lúa. ảnh: Thuận Hải
Các thông tin trên hệ thống của ứng dụng Sat4rice được kết hợp từ các dữ liệu viễn thám như giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, tình trạng nước tưới, đất canh tác…, các dữ liệu từ đồng ruộng được các kỹ sư cập nhật thường xuyên như mùa vụ, tình hình sâu bệnh, quá trình thu hoạch hay các thông tin về phương thức canh tác như gieo sạ, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu…
“Một khi có được các thông tin, dữ liệu địa lý chính xác, các nhà quản lý có thể có những quyết định tốt hơn, những chính sách hiệu quả hơn trong toàn bộ chuỗi sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL” - ông Chín nhận định.
Dự án bước đầu được thực hiện tại xã Vĩnh Bình (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) và xã An Bình (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), sau đó sẽ mở rộng ra toàn vùng ĐBSCL. Đại diện Sở NNPTNT tỉnh An Giang cho biết, ứng dụng công nghệ viễn thám vào sản xuất nông nghiệp dù không mới trên thế giới nhưng còn khá lạ tại Việt Nam. Dẫu vậy, An Giang đã sẵn sàng để tiếp cận, thông qua việc tập huấn cho đội ngũ kỹ sư, cán bộ khuyến nông…
Thống kê chính xác hơn
Trong ứng dụng Sat4rice, các báo cáo cụ thể về giai đoạn sinh trưởng của lúa cũng được thực hiện, nhờ đó, các doanh nghiệp có thể biết được cụ thể nơi nào đang canh tác lúa, diện tích, thời gian thu hoạch, dự kiến sản lượng... Các thông tin này được đánh giá là rất quan trọng cho việc chuẩn bị kế hoạch sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, từ khâu nhà xưởng, máy móc cho đến việc ký kết hợp đồng tiêu thụ… |
Theo Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp Việt Nam, với tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) trong nông dân ngày càng cao như hiện nay, việc đưa thông tin từ vệ tinh đến nông dân không còn khó khăn. Phương pháp này sẽ dần thay thế cho các biện pháp phổ biến thông tin trước đây như truyền miệng, tờ rơi… Đồng thời, giúp công tác thống kê, lập dữ liệu được nhanh chóng và chính xác hơn.
Cụ thể như trước đây, Việt Nam dùng hệ thống thống kê thủ công, mất nhiều thời gian và thường có sai số lớn. Thay vào đó, ứng dụng công nghệ viễn thám kết hợp nhiều nguồn thông tin cả từ ảnh chụp vệ tinh và thông tin từ mặt đất có thể cho kết quả nhanh hơn, chính xác hơn trên một vùng rộng hơn.
Một ứng dụng khác có thể kể đến là việc hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc thống kê thiệt hại do thiên tai, bão lũ, từ đó, có các chính sách hỗ trợ nông dân sau các đợt bão lũ một cách nhanh chóng và chính xác hơn.
Anh Đoàn Thanh Tâm - kỹ sư nông nghiệp ở vùng nguyên liệu Thoại Sơn (An Giang), cho rằng, việc các thông tin về ruộng lúa được cập nhật chính xác lên vệ tinh chính là để nông dân được tiếp cận, hưởng thụ lợi ích từ những thông tin này.
“Sau khi hoàn thiện hệ thống dữ liệu cho sản xuất lúa, việc mở rộng sang các cây trồng, vật nuôi khác ở ĐBSCL là điều cần thiết, giúp toàn ngành nông nghiệp ĐBSCL có thể tiếp cận gần hơn với các ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất” - anh Tâm đề xuất. /.
Theo Thuận Hải (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn