Nhiều bất cập
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2014, tình hình sản xuất tôm giống còn nhiều bất cập: Chất lượng nguồn tôm giống, tỷ lệ tôm giống qua kiểm dịch chưa cao, tôm sú bố mẹ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào khai thác tự nhiên nên chất lượng không đồng đều. Tôm thẻ chân trắng (TTCT) bố mẹ còn phụ thuộc nguồn tôm nhập khẩu.
Công tác quản lý nhà nước về tôm giống còn nhiều trở ngại ngay từ khâu nhập khẩu tôm bố mẹ, không khớp số liệu về số lô hàng và số lượng giống qua kiểm dịch và kiểm tra chất lượng, nhất là từ khi xóa bỏ việc cấp giấy phép nhập khẩu. Bên cạnh đó, nhìn chung, một lượng giống tôm trôi nổi khó kiếm soát chất lượng vẫn diễn ra. Việc kiểm tra chất lượng giống trước khi thả nuôi, sự chỉ đạo tuân thủ mùa vụ ở một số địa phương còn chưa triệt để. Nhiều trại giống chưa đảm bảo điều kiện sản xuất, tình trạng cơ sở cung ứng giống cỡ nhỏ không đạt tiêu chuẩn và không kiểm soát chất lượng. Công tác kiểm dịch nhiều nơi còn mang tính hình thức, không phát hiện được mầm bệnh trong con giống.
Ảnh: Nam Anh
Sở NN&PTNT một số địa phương cho biết: Sản xuất tôm giống của nhiều địa phương đang gặp không ít khó khăn về hạ tầng, điều kiện tự nhiên, môi trường, sự cạnh tranh và thị trường tiêu thụ vẫn tiềm ẩn rủi ro. Sản xuất kinh doanh tôm giống còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Các mô hình tổ chức liên kết còn hạn chế, thiếu chặt chẽ. Ý thức chấp hành các quy định về sản xuất và tiêu thụ giống thủy sản ở một số cơ sở chưa cao…
Theo đó, cần sớm đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng, giá trị tôm giống góp phần tạo vụ nuôi chất lượng cao, giá trị cao.
Nâng cao hiệu quả quy hoạch
Để đầu tư chiều sâu đạt hiệu quả, cần sớm triển khai quy hoạch vùng sản xuất giống tập trung, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất giống, tăng cường quản lý về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, khắc phục hoặc xử lý đối với các cơ sở chưa đủ điều kiện; chính quyền các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống tôm nước lợ thực hiện công bố tiêu chuẩn cơ sở cho tôm giống. Đồng thời, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống tôm phải đáp ứng đầy đủ các quy định về quản lý giống thủy sản tại Thông tư 26/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/5/2013 và Thông tư 11/2014/TT-BNN ngày 1/4/2014.
Bên cạnh đó, cần phát triển mô hình đồng quản lý trong sản xuất tôm giống. Triển khai thành lập thí điểm mô hình tổ hợp tác, chi hội sản xuất, kinh doanh; tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành tốt các quy định về quản lý sản xuất và tiêu thụ, đặc biệt là nâng cao chất lượng tôm giống bố, mẹ; đảm bảo các chỉ tiêu về môi trường và phòng chống dịch bệnh, giữ vững và nâng cao chất lượng tôm giống xuất bán. Mặt khác, cần ứng dụng rộng rãi những thành tựu khoa học công nghệ; trước hết là khâu tôm giống bố mẹ; quy trình sản xuất; kỹ thuật quản lý chăm sóc và các biện pháp bảo vệ môi trường; phòng, chống dịch bệnh…; Tập trung nâng cao chất lượng giống tôm nước lợ. Tiếp tục nghiên cứu chọn giống để chủ động nguồn tôm bố mẹ trong nước, hạ giá thành sản xuất.
Với người nuôi, cần tổ chức nhiều hơn các cuộc tập huấn, hội thảo, diễn đàn, để họ được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và tạo điều kiện giúp những người tham gia trong chuỗi sản xuất tiếp cận nhau.
>> Người nuôi tôm cần ương dưỡng giống trước khi thả nuôi 30 - 45 ngày; đây cũng là giai đoạn ủ bệnh của con giống, kích cỡ giống lớn sẽ góp phần giảm hao hụt. Đồng thời, giúp quản lý thuận lợi hơn, kể cả khi có bệnh dịch phát sinh trong trường hợp con giống chưa đạt chất lượng. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn