Năm 1993, trước hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, ông Đặng Văn Hùng (quê huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) xin ra quân khi đang giữ quân hàm trung tá. Sau đó ông cùng vợ khăn gói lên xã Mỏ Công, huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh) lập nghiệp. Làm thuê một thời gian, nghe thông tin Xí nghiệp 22.12 thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh có miếng đất 85ha trồng mía không hiệu quả dẫn đến bỏ hoang hóa... ông đã lên đường tìm thuê.
Đánh cược với đất
Nghe con trai đòi thuê diện tích quá lớn, cha ông Hùng đã ngăn cản quyết liệt vì lúc đó trong tay ông không có đồng vốn lận lưng, làm sao trả nổi tiền thuê. “Sau khi phân tích tiền thuê đất trả bằng sản phẩm khi thu hoạch và tôi quyết tâm làm thì ông già mới thông qua. Vụ mía đầu tiên không phải đầu tư giống vì đất có sẵn gốc mía, trong khu vực có lò đường tiêu thụ sản phẩm, đồng thời được UBND xã bảo lãnh mua thiếu phân bón nên gia đình tôi trúng mùa 3 năm liên tục” - ông Hùng nhớ lại ngày đầu mới lên mảnh đất này lập nghiệp.
Thời điểm đó, ngành khuyến nông phát động phong trào làm phân xanh (phân hữu cơ). Nhưng lấy cái gì tạo phân hữu cơ trong khi tất cả mọi thứ đều phải mua? Qua tìm hiểu ông Hùng thấy nhà máy thường bỏ vỏ lụa mì, mà đây là loại phế phẩm làm phân cực tốt. Khi thấy ông Hùng chở hàng tấn vỏ lụa mì làm phân bón, nhiều người rỉ tai cho rằng lỗ lã quá nên ông… bị hâm. Bởi nhiều người từng dùng vỏ lụa mì bón cho cây, nhưng sau 2-3 ngày cây đều héo, chết.
Phương pháp cải tạo đất “lạ đời”
Mặc người đời bàn tán, ông Hùng dùng máy cày xới đất nhiều lần để vỏ lụa mì đã rục hòa vào đất dưới độ sâu khoảng 3 tấc, sau đó bỏ giống. Phương pháp này không những làm đất tơi xốp như mới mà còn giảm rất nhiều chi phí bón phân, sản lượng lại tăng đến chóng mặt. Mía rẫy nhà ông cao từ 2,5 – 3m, trong khi mía của dân trong vùng chỉ cao khoảng 1,5 – 2m. Ngoài việc sản lượng tăng, trữ lượng đường cũng đạt tiêu chuẩn. Vụ mía năm 1998 và 1999, người dân trong vùng thu hoạch cao nhất cũng chỉ được 50 tấn mía/ha, rẫy của ông Hùng thu từ 150-160 tấn mía/ha.
“Khi cây mía cao khoảng 1m, người trồng phải “đánh lá” (vặt hết lá - PV) lần 1 rồi lần 2 và 3. Việc “đánh lá” là khâu cực kỳ quan trọng đối với người trồng mía, tác dụng của nó là loại bỏ được những chỗ sâu có thể ẩn náu đẻ trứng, đồng thời làm thân mía quang hợp được ánh sáng mặt trời, lúc đó chữ đường sẽ tăng lên” - ông Hùng chia sẻ kinh nghiệm.
Lá mía sau khi vặt được một thời gian sẽ phân hủy hòa vào đất, tạo ra nguồn phân hữu cơ dồi dào, tự nó biến đất bạc thành đất màu mỡ. Việc đánh lá còn làm giảm thiểu tối đa tình trạng ruộng mía bị cháy. “Nếu lỡ cháy, người nông dân cũng dễ dập lửa, và có cháy từ 5-10 ngày mía vẫn bán được cho nhà máy. Nhờ kết hợp phương pháp cải tạo đất và đánh lá, vụ mía 2013 - 2014, chữ đường trong mía nhà tôi đạt 10,1 CCS” - ông Hùng cười tự hào.
Kiến tạo cuộc sống cho bà con cả vùng
Thuở nhỏ ông Hùng từng ở đợ cho địa chủ, lớn lên đi bộ đội rồi xuất ngũ. Khi đã gần 50 tuổi, từ 2 bàn tay trắng ông mới lao vào làm kinh tế. Trải qua bao thăng trầm cho đến khi gia đình có của ăn của để, 5 người con đều thành đạt, ông Hùng tính đến việc đóng góp cho xã hội, giúp đỡ người nghèo khó.
Từ suy nghĩ đất nước được giải phóng hơn 30 năm, nhưng vùng đất nơi gia đình khởi nghiệp vẫn chưa có điện. Vì thế, năm 2008 ông bàn với vợ bỏ hơn 500 triệu đồng kéo hơn 3km đường dây điện trung thế cho hơn 20 hộ dân có điện thắp sáng và sản xuất. Ông Nguyễn Văn Hai, ngụ ấp Thanh Xuân, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên, cho biết: “Đa số người dân trong ấp rất nghèo. Từ khi có đường điện do ông Hùng đầu tư, cuộc sống của chúng tôi nâng lên rõ rệt, kinh tế ngày càng phát triển. Việc ông Hùng kéo đường dây điện đã góp phần đưa ấp đạt 100% hộ dân sử dụng nguồn điện quốc gia”.
Kéo điện xong, nhận thấy con đường vào ấp khá nhỏ, mùa mưa luôn lầy lội, mùa khô bụi mịt mù, ông Hùng bàn tiếp với vợ hiến thêm đất của gia đình rồi mua đá, thuê nhân công làm con đường dài 3,2km, với giá trên 3 tỷ đồng để việc đi lại của người dân thuận tiện hơn.
Việc đóng góp chưa dừng lại đó, mỗi khi địa phương vận động đóng góp các quỹ ủng hộ người nghèo, học bổng, quỹ nạn nhân chất độc dioxin, tiếp sức đồng đội… ông Hùng tham gia rất nhiệt tình, với số tiền trên 200 triệu đồng/năm. Không những vậy, khi thấy đồng đội vẫn còn khó khăn, ông bỏ tiền xây 2 căn nhà tình nghĩa, 8 nhà đại đoàn kết, mua tôn lợp nhà cho các hộ nghèo để chống dột.
Đến nay, với 90ha cao su, mía thuộc sở hữu của gia đình và 40ha đất thuê trồng mía, gia đình ông Hùng còn góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động, với mức thu nhập từ 4,5 – 6 triệu đồng/tháng/người. Trang trại của ông cho thu nhập khoảng 3 tỷ đồng/năm.
Dẫu vậy, khi tâm sự với tôi, ông vẫn luôn đau đáu việc tạo thêm công ăn việc làm cho người dân trong vùng, bởi ông quan niệm đơn giản rằng, cuộc đời là phải biết sẻ chia, mình giàu rồi cũng mong bà con vươn lên phát triển cùng mình ở vùng đất còn nhiều gian khó này.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn