Số vốn kể trên đã góp phần mở rộng diện tích cá tra tại ĐBSCL từ 4.541 ha (tháng 5/2012) lên 4.876 ha (tháng 9/2012), nhiều nhất tại Đồng Tháp (1.537 ha), Cần Thơ (978 ha), An Giang (759 ha), Bến Tre (701ha). Nông dân chăm sóc cá nuôi đúng kỹ thuật nên năng suất bình quân đạt 254 tấn/ ha. Trên 3.388 ha đã thu hoạch cho tổng sản lượng 860.268 tấn. Nguồn nguyên liệu nói trên cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến và đã xuất khẩu được 464.000 tấn, nhiều hơn cùng kỳ năm 2011 là 6%, trị giá 1,3 tỉ USD. Tuy nhiên vẫn còn khó khăn, hiện nay chi phí cho 1ha mặt nước nuôi cá tra tại ĐBSCL từ 7 - 8 tỉ đồng, thời gian nuôi mỗi vụ từ 7 – 8 tháng, dài hơn trước đây. Người nuôi cần vay vốn dài hạn trong khi đó ngân hàng chỉ cho vay vốn ngắn hạn với hạn mức vài trăm triệu đồng/ha, chỉ đáp ứng một phần nhu cầu. Các doanh nghiệp chế biến cũng gặp khó khăn trong kinh doanh do lãi suất vay ngân hàng cao. Hiện lãi suất đã hạ nhưng người có nhu cầu không dễ vay được vốn với lãi suất thấp. Ngoài ra, việc giải ngân vốn cho người nuôi và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra còn gặp khó khăn do việc giãn nợ cũ, cơ cấu lại nợ cũ chỉ thực hiện được đối với những khoản nợ còn trong hạn. Đối với những doanh nghiệp, hộ dân đã phát sinh nợ xấu thì không đủ điều kiện để vay vốn. Hiện doanh số cho vay mới (trong phạm vi gói hỗ trợ 9.000 tỉ đồng, lãi suất 11%/năm) còn hạn chế vì các trang trại nuôi cá không còn tài sản bảo đảm nên không đủ điều kiện vay mới. Nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra cũng không đáp ứng được điều kiện vay mới vì đang còn nợ cũ hoặc không còn tài sản bảo đảm cho khoản vay mới. Người nuôi và doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư, cộng với tình trạng giá bán cá nguyên liệu thường xuyên thấp hơn giá thành sản xuất nên việc mở rộng diện tích nuôi cá tra tại ĐBSCL diễn ra chậm chạp. |