Ông Ngô Văn Tiếp - chủ trang trại lợn ở xã An Phú, Mỹ Đức (Hà Nội) với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm chia sẻ kinh nghiệm về 2 phương pháp phối giống cho lợn, đó là phối giống trực tiếp và truyền tinh nhân tạo.
Những ai có dịp đến thăm trang trại chăn nuôi lợn hướng nạc “tiểu mẫu” theo quy trình khép kín của ông Ngô Văn Tiếp đều phải trầm trồ khen ngợi, bởi không chỉ có quy mô trang trại to đẹp và được xây dựng, quản lý một cách khoa học, mà ông chủ trang trại này còn là người nắm rất vững các kỹ thuật về chăn nuôi lợn nái để có được doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
|
Phối giống cho lợn nái theo phương pháp gián tiếp. |
Chia sẻ về phương pháp phối giống, ông Ngô Văn Tiếp, chủ trang trại lợn với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm nói: “Có 2 phương pháp phối giống cho lợn đó là phối giống trực tiếp và truyền tinh nhân tạo”. Ông Tiếp cẩn thận chia sẻ từng ưu, nhược điểm của các phương pháp này giúp bà con nông dân nắm được cụ thể như sau: Với phương pháp phối giống trực tiếp: Phương pháp này có ưu điểm là dễ thực hiện, không cần đầu tư kỹ thuật, dụng cụ và trang thiết bị phối giống mà tỷ lệ thụ thai cao, đẻ nhiều con (nếu chất lượng đực giống tốt và khai thác với cường độ phù hợp).
Còn về nhược điểm của phối giống trực tiếp, đó là lợn nái sẽ dễ bị lây lan bệnh qua tiếp xúc với đực giống bị nhiễm bệnh, đặc biệt bệnh lây qua đường sinh dục (các bệnh léptô, sẩy thai, truyền nhiễm). Lợn có khối lượng nhỏ khó áp dụng được phương pháp này vì dễ bị đè gẫy xương và một đực giống không phối giống được cho nhiều lợn cái cùng một lúc.
|
Phương pháp thụ tinh gián tiếp cần phải có sự đầu tư về dụng cụ, thiết bị bảo quản và môi trường thích hợp. |
Với phương pháp phối giống bằng truyền tinh nhân tạo hay còn gọi là phối giống gián tiếp, thì ưu điểm là hạn chế khả năng lây lan bệnh qua tiếp xúc trực tiếp nếu lợn đực bị bệnh lây. Đồng thời, một lần khai thác tinh có thể phối được nhiều lợn (20-30 lợn nái). Ngoài ra, phương pháp này cũng không tốn công vận chuyển lợn đực. Hơn nữa, lợn nái to hay nhỏ đều thụ tinh nhân tạo được.
Ưu điểm là thế, nhưng nhược điểm của phương pháp này cũng không hề ít vì nó yêu cầu người phối giống phải có kỹ thuật. Ngoài ra, công nhân kỹ thuật phối cũng cần phải có đầu tư về dụng cụ, thiết bị bảo quản và vận chuyển tinh trong môi trường thích hợp. Nếu quá trình bảo quản tinh không tốt, xác định thời điểm phối không chuẩn hoặc thao tác không đúng kỹ thuật thì tỷ lệ đậu thai kém, lợn đẻ ít con.
Nguồn: danviet.vn