Chuỗi rau an toàn, nhìn từ Nhật Bản (Phần 2)
Tổ chức sản xuất
Sản xuất rau, dù là các hộ nông dân hay các hợp tác xã, việc lập kế hoạch sản xuất dựa trên các đơn đặt hàng được làm rất cẩn trọng và chu đáo. Nông dân không hề sản xuất chạy theo phong trào, tất cả nhất định phải theo kế hoạch, mà kế hoạch này gắn với tiêu thụ ở trong vùng và liên vùng, được các cơ quan quản lý của ngành hướng dẫn và giám sát. Đây là những lý do không hề có chuyện “được mùa, mất giá” ở Nhật.
Hợp tác xã được tổ chức chặt chẽ và họ tham gia sản xuất kinh doanh đa ngành, kể cả tín dụng và du lịch.
Sản xuất ở Nhật cũng chuyên môn hóa sâu, vì vậy nó tạo được thương hiệu sản phẩm cho từng vùng, ví dụ dưa hấu là vùng Hokkaido hay Chiba, hành lá ở Ibaraki… Sản phẩm khi thu hoạch đưa vào siêu thị phải đảm bảo độ đồng đều cực cao, với hệ thống chế biến phân loại hiện đại; ngay cả cải bắp khi thu hoạch, những cây bắp cải dù rất bắt mắt, sạch sẽ nhưng khối lượng, kích thước nhỏ hơn quy định đều bị bỏ lại ruộng cày vùi làm phân bón.
Nhật Bản là quốc gia thuộc "tốp đầu" trong việc nghiên cứu về vi sinh vật, đặc biệt việc ứng dụng vi sinh trong phân bón. Phân bón cho sản xuất rau ở đây phần nhiều là hữu cơ vi sinh. Bón như thế nào, bao nhiêu đều dựa trên các khảo sát và phân tích dinh dưỡng đất một cách thường xuyên.
Câu hỏi được đặt ra là, trường hợp bất thuận, rau mất mùa, năng suất và sản lượng thấp, cung không đáp ứng cầu thì họ xử lý thế nào? Và trường hợp thời tiết thuận lợi, năng suất sản lượng rau cao, cung vượt cầu (yếu tố kéo giá)?
Chính sách điều tiết liên vùng của Nhật Bản rất tốt và khi vùng nào đó mất mùa do gặp thiên tai, rau, thực phẩm được nhà nước điều tiết và huy động từ các vùng khác, nhập khẩu và từ nguồn dự trữ. Còn trường hợp dư thừa, nhà nước trả tiền cho nông dân để có thể tiêu hủy, cày vùi luôn một phần diện tích rau làm phân bón. Do vậy mà không có tình trạng “dội chợ” như Việt Nam. Họ để đất nghỉ, bỏ hóa và có thể gieo trồng mạch, kê hay cây họ đậu rồi cày vùi cải tạo đất được làm luân phiên, vì vậy đất của họ rất tốt, tơi xốp và rất giầu mùn. (Ở Việt Nam, đất để hoang hóa một vụ là có chuyện rồi; mặc dù lý do là sản xuất không hiệu quả, là ở những vùng xen kẹp, khó khăn cho canh tác…).
Quỹ ổn định giá
Để ổn định giá cả thị trường, nhất là với rau, quỹ ổn định giá nông sản được chính phủ thành lập và giao cho một đơn vị điều hành có tên “Agricultural and Livestock corporation” viết tắt là “ALIC” thực hiện.
Quỹ này chịu trách nhiệm ổn định giá không chỉ với rau mà cả các sản phẩm chăn nuôi. Mục tiêu là ổn định sản xuất cho nông dân, không để xảy ra tình trạng “khủng hoảng” các sản phẩm nông sản. 60% quỹ được nhà nước Trung ương lo liệu; 20% do cấp tỉnh chịu trách nhiệm và 20% đóng góp từ doanh nghiệp tham gia và nông dân. Sản xuất của các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã tham gia tự nguyện vào quỹ này chịu sự kiểm soát chặt chẽ của ALIC.
Sơ chế và bao gói hành |
Kế hoạch sản xuất, tiêu thụ được xây dựng chi tiết và được kiểm duyệt bởi cơ quan quản lý nhà nước, ngay cả chủng loại rau cũng được chỉ định thì mới đủ tiêu chí tham gia. Thực chất giống như quỹ bình ổn giá song lại chủ động từ trước chứ không bị động, quỹ này tương tự bảo hiểm song họ không lo "vỡ quỹ" như ở Việt Nam. Không thể lợi dụng kẽ hở, càng không thể mượn cớ để trục lợi từ quỹ này. Quả là một cách làm mà ngay cả bảo hiểm cần học tập.
Khâu bán và phân phối sản phẩm của Nhật Bản khá đa dạng. Hệ thống chợ đầu mối và những phiên đấu giá mang dáng dấp công nghiệp, hiện đại. Chỉ riêng Tokyo đã có tới vài chục chợ đầu mối với quy mô từ 20 đến trên 50ha và hệ thống kho lạnh kho mát hoàn hảo. Hệ thống phân phối khép kín với những quy định chặt chẽ từ sản xuất, thu mua và chế biến như PAL SYSTEM.
Hiện nay nhiều hợp tác xã tổ chức các cửa hàng bán sản phẩm nông sản cho xã viên, xã viên mang sản phẩm tới bày trên kệ hàng đã được hợp đồng, mỗi hộ có mã số, mã vạch riêng để truy nguyên nguồn gốc, và cửa hàng thu tiền, giúp nông dân, giá tùy thuộc chất lượng, mẫu mã để người tiêu dùng có thể chấp nhận, đây là hình thức bán hàng ủy thác hiện đang mở rộng.
Một kiểu bán trực tiếp (Direct Sale) cũng đã xuất hiện và một nhóm người tiêu dùng đặt hàng thẳng cho nông hộ, trang trại để lấy nông sản hàng tuần cho nhóm mình sử dụng. Kiểu này được đánh giá là có độ tin cậy vì quen biết và địa chỉ rõ ràng, giám sát được song lại đỡ công chứng nhận, bao gói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn