Theo Cục Bảo vệ thực vật, diện tích lây nhiễm này đã tăng hơn 30.283 ha so năm 2017.
Bệnh lây lan với tốc độ nhanh và đang hoành hành khắp 10 tỉnh thành. Ảnh: Nguyên Vỹ
Ông Lê Quốc Cường – Trung tâm BVTV phía Nam cho biết, vùng trồng mì tỉnh Long An do giáp địa bàn Tây Ninh cũng đã ghi nhận có diện tích mì nhiễm bệnh.
“Đáng ngại nữa là mới đây tại tỉnh An Giang trồng giống mì cũng có nguy cơ lây lan bệnh, hiện Trung tâm BVTV phía Nam đang kiểm soát chặt chẽ” - ông Cường nói.
Theo Trung tâm BVTV phía Nam, việc phòng chống và khống chế dịch bệnh hiện nay còn nhiều khó khăn do giá sắn cao đã tác động khiến nông dân vẫn xuống giống. Mì, dù là cây tỷ đô, nhưng chính sách hỗ trợ dịch bệnh thấp, khó tuyên truyền để nông dân tiêu hủy diện tích nhiễm bệnh.
Bệnh khảm lá mì do vi rút gây ra và đến nay vẫn chưa có thuốc chữa trị. Ảnh: Nguyên Vỹ
Việc phát tán giống đã lây nhiễm bệnh rất khó kiểm soát trong nông dân. Và nông dân từ các nơi khác đến trồng thâm canh cây mì chiếm số đông nên khó vận động tiêu hủy. Nhiều nơi người trồng là đồng bào dân tộc thiểu số khó tuyên truyền biện pháp kỹ thuật, chưa kể hiện nay chưa có thuốc đặc trị loại bệnh này.
Ông Cường đề nghị giải pháp sắp tới phải nghiêm túc thực hiện chỉ thị 5957 mới đây của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Khuyến cáo bà con nên chuyển sang cây khác hoặc không trồng ít nhất 1 vụ để cắt nguồn bệnh.
Theo các nhà chuyên môn, khi cây mì bị nhiễm bệnh, năng suất mì sẽ giảm từ 50 - 100% do củ mì không phát triển. Ảnh: Nguyên Vỹ
“Mỗi tỉnh phải thành lập Ban chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá mì, kể cả các tỉnh ở ĐBSCL, để tránh lây lan bệnh ra cả miền Tây” - ông Cường lưu ý.
Đánh giá mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh này, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết mì là loại cây quan trọng, có giá trị xuất khẩu hơn tỷ đô, nằm trong nhóm 10 cây chủ lực cần điều chỉnh tái cơ cấu.
"Tác nhân gây bệnh lây lan quá nhanh. Mới năm ngoái thấy xuất hiện ở Tây Ninh thì đến nay tỉnh này lây nhiễm hơn 91%. Giờ thì có đến 10 tỉnh thành đã bị nhiễm bệnh. Tôi cho rằng diện tích lây nhiễm có thể còn cao hơn cả con số báo cáo hiện nay" - ông Doanh nói.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, trước đó, ngành nông nghiệp đã có nhiều chỉ đạo về vấn đề này nhưng đến nay vẫn nan giải. Nếu không thống nhất trong quá trình chỉ đạo và nhận thức thì tình hình còn nguy hiểm hơn.
Sáng nay 28.8, Bộ NNPTNT tiếp tục tổ chức Hội nghị tìm giải pháp phòng chống bệnh khảm lá mì tại TP.HCM. Hội nghị có đại diện Cục BVTV, Bộ NNPTNT và ngành nông nghiệp các địa phương đã bị lây nhiễm.
DV sẽ tiếp tục thông tin.
Sáng nay, ngày 28.8 Bộ NNPTNT triệu tập cuộc họp tìm giải pháp phòng chống bệnh khảm lá mì. Ảnh: Nguyên Vỹ
Tính đến tháng 8 đã có 10 tỉnh thành nhiễm bệnh: Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Đăk Lăk, Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận, TP.HCM và Long An với nhiều mức độ, nặng nhất là ở Tây Ninh khoảng 91%. Tổng diện tích nhiễm bệnh của 10 tỉnh hơn 36.136 ha; tăng hơn 30.283 ha so năm 2017. Trong đó, hơn 242 ha bị nhiễm quá nặng đã được tiêu hủy. Tây Ninh: có hơn 32.520 ha nhiễm bệnh, trong đó hơn 6.699 ha nhiễm nặng, đã tiêu hủy hơn 143ha. Bình Dương: phát hiện sau Tây Ninh, với 1.640,8 ha nhiễm bệnh. Trong đó, có 254,8 ha nhiễm nặng tại các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên. Bà Rịa - Vũng Tàu: phát hiện bệnh vào cuối tháng 6.2018, với 133,1 ha nhiễm bệnh. Đồng Nai: phát hiện bệnh vào cuối tháng 6.2018, với 115,1 ha nhiễm bệnh. Đăk Lăk: phát hiện bệnh vào giữa tháng 7.2018, với 167,2 ha nhiễm bệnh.. Bình Phước: Các huyện Chơn Thành, Lộc Ninh phát hiện triệu chứng bệnh ngay từ đầu năm 2018 nhưng không báo cáo về Chi cục tỉnh do đang trong quá trình sát nhập, thành lập Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp. Hiện có 408,5 ha nhiễm bệnh. Bình Thuận: phát hiện bệnh vào đầu tháng 8.2018, với 14,8 ha nhiễm bệnh. Ninh Thuận: phát hiện bệnh vào giữa tháng 8.2018, với 399,7 ha nhiễm bệnh TP.HCM: phát hiện bệnh vào cuối tháng 7.2018, với 624 ha nhiễm bệnh, trong đó 265 ha nhiễm nặng tập trung ở huyện Củ Chi. Long An: phát hiện bệnh vào đầu tháng 8.2018, với 112,8 ha nhiễm bệnh. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn