Theo Cục Chăn nuôi, năm 2016, ước tính tổng lượng heo giống chất lượng cao được nhập về Việt Nam phục vụ sản xuất trong nước khoảng 7.000 - 8.000 con, nguồn giống chủ yếu nhập về từ Đan Mạch (chiếm gần 60% tổng lượng nhập), tiếp theo là Thái Lan (khoảng 30% tổng lượng nhập). Khoảng từ 2 - 2,2 triệu con gia cầm giống được nhập khẩu, trong đó nhập từ Mỹ hơn 50%, từ Pháp gần 30%.
Hiện cả nước có khoảng 193 cơ sở heo giống cụ kị Ảnh: Xuân Phú
Mặc dù hiện nay, công nghệ sản xuất giống đã có những kết quả nhất định, doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ, vốn phục vụ sản xuất nhưng số lượng này cũng chỉ chiếm phần khiêm tốn. Phần lớn ngành chăn nuôi đang phải nhập khẩu con giống và phụ thuộc hoàn toàn nước ngoài về công nghệ, chuồng trại. Chưa kể một lượng giống nhập khổng lồ từ Trung Quốc tràn vào trong nước qua con đường tiểu ngạch không kiểm soát được. Theo tính toán, trừ giống bò sữa, mỗi năm nước ta tốn khoảng 6 triệu USD nhập giống gia súc, gia cầm. Trong đó khoảng 2 triệu USD nhập giống heo và 4 triệu USD giống gia cầm.
Trong chăn nuôi heo, đến nay, cả nước có khoảng 195 cơ sở giống heo cụ kị (GGP) và ông bà (GP), với tổng đàn nái khoảng 73,5 nghìn con. Chất lượng đàn heo giống GGP và GP nhập ngoại trong các cơ sở giống nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu về giống: năng suất sinh sản thấp (chỉ đạt 18 - 20 con cai sữa/nái/năm); sinh trưởng thấp (giai đoạn 25 - 100 kg chỉ đạt 600 - 750 g/ngày). Trong khi đó, đàn heo giống của các cơ sở giống thuộc công ty cổ phần và vốn nước ngoài có quy mô lớn như Công ty C.P. Việt Nam là 25,6 nghìn nái GGP và GP; Công ty Darby-JC có 5 nghìn nái GP và một số Công ty khác như San Miguel, Japfa có khoảng 1 - 2 nghìn nái GP. Chất lượng đàn heo giống của các cơ sở này không đồng đều và không được quản lý chặt chẽ.
Mặc dù giá bán con giống trong nước tuy thấp nhưng người chăn nuôi trong nước lại hững hờ. Lý do được đưa ra là con giống trong nước chất lượng kém, năng suất thấp, khả năng chống chịu bệnh tật kém. Cụ thể, heo giống Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ, Canada, Anh, Hà Lan, Đan Mạch… với giá từ 2.500 - 5.000 USD/con, tuy giá cao nhưng doanh nghiệp vẫn nhập vì năng suất giống ngoại cao hơn gấp 1,5 lần giống nội. Hơn nữa, chất lượng thịt, cơ bắp chắc hơn, lại tiêu tốn thức ăn ít hơn, thoái hóa lâu hơn và khả năng chịu bệnh tật tốt hơn.
Thực tế thời gian qua, ngành sản xuất con giống trong nước luôn bị doanh nghiệp ngoại “lấn sân” khi sản xuất con giống gia cầm, giống heo hiện nay vẫn phần lớn do doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ. Thị phần của các doanh nghiệp ngoại sản xuất giống gia cầm chiếm hơn 90% cả nước. Doanh nghiệp Việt Nam dù muốn tham gia nhưng xem ra vẫn chưa đủ khả năng.
Tình hình sản xuất giống tại nhiều địa phương nhìn chung vẫn khó khăn do việc quản lý còn nhiều bất cập. Hiện nay các trang trại sản xuất con giống chưa thực hiện công bố chất lượng giống; kinh doanh con giống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng vẫn còn xảy ra. Kinh phí đầu tư chưa tương xứng với vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác giống. Do đó, các địa phương cần căn cứ vào mục tiêu, nhu cầu con giống quy hoạch, mở rộng các cơ sở sản xuất giống bố mẹ gắn với chọn lọc, nhân đàn, chủ động sản xuất con giống có năng suất, chất lượng thịt tốt, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất.
Về lâu dài, để nâng cao chất lượng con giống, cần đầu tư công nghệ để phát triển sản xuất. Theo PGS.TS Hoàng Kim Giao, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc lớn Việt Nam, muốn phát triển giống, ngoài ứng dụng khoa học công nghệ vào lai tạo giống chất lượng cao, phải đặc biệt chú ý đến thức ăn cho con giống. Suy cho cùng, cải tạo giống là nâng cao chất lượng con giống từ gốc, từ bên trong, phục vụ mục tiêu lâu dài.
Nguồn: nguoichannuoi.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn