Trắng, đen hạt muối
Có thể ví Bạc Liêu là vương quốc của muối. Đến nay, muối Bạc Liêu cũng là sản phẩm duy nhất được đưa vào thị trường Nhật. Thế nhưng, đời sống của diêm dân vẫn còn mặn chát. Diêm dân Nguyễn Văn Tâm, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình than: “Làm muối cực lắm, suốt ngày cứ phải đối mặt với nắng nóng. Năm nào ông trời thương cho nắng nhiều thì cào muối có lãi, còn năm nào mưa sớm hay mưa trái mùa thì chỉ biết bỏ xứ đi làm mướn”.
Diêm dân Đông Hải thu hoạch muối. Ảnh: T.L
"Nếu diêm dân muốn làm giàu từ hạt muối thì phải sản xuất muối trắng, vì sản xuất ra bao nhiêu doanh nghiệp cũng tiêu thụ hết, nhưng lâu nay diêm dân vẫn sản xuất muối đen”. Ông Nguyễn Trường Hận |
Ông Nguyễn Trường Hận - Trưởng phòng NNPTNT huyện Đông Hải khẳng định: “Nếu diêm dân muốn làm giàu từ hạt muối thì phải sản xuất muối trắng, vì sản xuất ra bao nhiêu doanh nghiệp (DN) cũng tiêu thụ hết, nhưng lâu nay diêm dân vẫn sản xuất muối đen”.
Thật ra, diêm dân rất muốn sản xuất muối trắng vì bán được giá cao, lại khỏi phải lo đầu ra, nhưng thiếu vốn vì chi phí đầu tư lên đến cả trăm triệu đồng/ha. Cụ thể, với mô hình sản xuất muối trắng theo phương pháp trải bạt trên sân kết tinh, chỉ với 1.000m2 cũng cần vốn đầu tư hơn 45 triệu đồng. Cũng chính vì lý do này, mà trong tổng diện tích 1.740ha sản xuất muối năm 2018 của Bạc Liêu, diện tích sản xuất muối trắng trải bạt chỉ chiếm 82,5ha.
Tạm trữ, diêm dân không được lợi
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, tính đến tháng 5.2018 toàn tỉnh Bạc Liêu vẫn còn tồn đọng trong dân hơn 49.440 tấn muối.
Thật ra, việc tồn đọng muối trong dân đã trở thành báo cáo từ lâu. Song, thực chất nếu muối có tồn chủ yếu nằm trong các DN thu mua tạm trữ muối chứ trong diêm dân chẳng còn được là bao. Bởi vòng quay của hạt muối ở diêm dân rất ngắn. Khi diêm dân cào muối xong là bán ngay cho thương lái để lấy tiền trang trải cuộc sống, thậm chí bán cả muối non để trả nợ tiền đầu tư cải tạo đồng ruộng, bơm nước, cơm gạo hàng ngày.
Ông Nguyễn Xuân Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết: “Cuối vụ muối năm 2017, toàn huyện còn tồn hơn 24.000 tấn muối nhưng chủ yếu là tập trung dự trữ ở các DN”.
Người dân chuẩn bị làm ruộng muối. Ảnh: L.D
Xuất phát từ thực tiễn này mà lâu nay các chính sách thu mua muối tạm trữ hay hỗ trợ nâng cao giá thu mua muối gần như diêm dân chẳng được hưởng lợi là bao, mà người được hưởng lợi trực tiếp chính là các DN thu mua muối tạm trữ.
Để diêm dân làm giàu
Không sống nổi với hạt muối, nhiều diêm dân đã bỏ nghề, bỏ xứ đi nơi khác làm ăn. Nhiều địa danh như ấp Diêm Điền của huyện Đông Hải từng là xứ sở của nghề muối nay chỉ còn là ký ức.
Vì vậy, để khuyến khích diêm dân gắn bó với nghề truyền thống và tránh tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên đất, Bạc Liêu đã xây dựng Đề án “Tái cơ cấu ngành muối tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” và đề ra mục tiêu đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất muối đạt 2.500ha (trong đó diện tích sản xuất muối trải bạt và công nghiệp 500ha), đến năm 2030 diện tích sản xuất muối đạt 2.400ha (trong đó diện tích sản xuất muối trải bạt và công nghiệp 1.000ha), sản lượng đạt 200.000 tấn (trong đó sản lượng muối trắng sản xuất truyền thống 50.000 tấn, chiếm 25% tổng sản lượng muối và muối trắng trải bạt 100.000 tấn, chiếm 50% tổng sản lượng muối).
Để hoàn thành mục tiêu này và giúp diêm dân làm giàu từ hạt muối, Bạc Liêu sẽ tập trung phát triển ngành muối theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng vùng muối, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất và chế biến để phát triển ngành muối theo hướng công nghiệp, hiện đại, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, nhất là nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của diêm dân...
Theo Lư Dũng (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn