00:05 EST Thứ hai, 27/01/2025
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Nhà nông cần biết


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Dự án cạnh tranh nông nghiệp: Hướng đến phát triển bền vững

Thứ tư - 28/08/2013 03:17
Sau hơn 4 năm triển khai, bốn hợp phần quan trọng của Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp (ACP) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, từng bước hình thành hướng sản xuất mới, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của những sản phẩm nông nghiệp thông qua việc liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, tổ chức lại nhóm sản xuất, hoàn thiện, xây dựng hệ thống hạ tầng...

Trao đổi với phóng viên xung quanh Dự án ACP, ông Đặng Minh Cường, Giám đốc Ban quản lý dự án Cạnh tranh Nông nghiệp cho biết:

Dự án ACP được tài trợ bởi Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA/WB) và Chính phủ Việt Nam với tổng số vốn 82,9 triệu USD, trong đó vốn vay IDA là 59,8 triệu USD, vốn tư nhân là 16,3 triệu USD, vốn CIDA là 3,7 triệu USD, vốn đối ứng là 3,7 triệu USD. Thời gian thực hiện từ năm 2009 đến năm 2013 tại 8 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (Thanh Hoá, Nghệ An, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Gia Lai và Đắk Lắk). Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của nông dân sản xuất nhỏ tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên thông qua việc liên kết sản xuất với doanh nghiệp; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường của nông dân thông qua việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ sản xuất mới, tổ chức lại các nhóm sản xuất của nông dân và liên kết với doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ một phần cơ sở hạ tầng thiết yếu cho sản xuất. Dự án gồm 4 hợp phần: Tăng cường công nghệ nông nghiệp; Hỗ trợ liên minh sản xuất; Cơ sở hạ tầng thiết yếu; Quản lý dự án.

Ông có thể nói rõ hơn về tình hình thực hiện và kết quả đạt được tại các tỉnh tham gia dự án?

Đến nay, số lượng các chủ đề nghiên cứu và chuyển giao, liên minh sản xuất (LMSX) và công trình xây dựng hạ tầng thiết yếu đều đạt số lượng theo mục tiêu của dự án; các chỉ số giám sát, đánh giá đều đạt và vượt chỉ tiêu khung giám sát đánh giá dự án đưa ra. 

Về hợp tăng cường công nghệ nông nghiệp, có 88 gói nghiên cứu đã hoàn thành, chiếm 64% số gói nghiên cứu được triển khai, 17 gói nghiên cứu đã được sản xuất tiếp nhận và được dự án tiếp tục tài trợ nhân rộng mô hình; trên 98.000 nông dân được chuyển giao công nghệ mới. Kết quả đánh giá ban đầu đối với 88 gói nghiên cứu đã hoàn thành cho thấy có 28% nông dân đã áp dụng phương pháp canh tác mới; năng suất nông sản tăng 17% (mục tiêu 10%); sản lượng tăng 23,5%.

Về hợp phần hỗ trợ liên minh sản xuất, đã hình thành 101 LMSX (cả liên minh thành lập mới và liên minh mở rộng) với tổng số 15.000 hộ nông dân đã liên kết với các doanh nghiệp nông nghiệp, 32 LMSX đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Kết quả đánh giá 96 LMSX triển khai kế hoạch kinh doanh trên 1 năm cho thấy có rất nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, quan hệ giữa tổ chức nông dân và doanh nghiệp được cải thiện, tiếp tục hợp tác liên kết sau khi dự án kết thúc. Doanh thu của tổ chức nông dân tăng 17,2%, tỷ suất lợi nhuận tăng từ 10 - 20% lên 18 - 50%, năng suất nông sản tăng trên 5%, sản phẩm có giá cao hơn bình quân 8% so với ngoài LMSX. Bên cạnh đó, nhiều LMSX sau khi được thành lập đã áp dụng những quy trình sản xuất bền vững như VietGAP (chè Tân Cương Hoàng Bình tại tỉnh Thái Nguyên), RFA (cà phê Dak Man tại tỉnh Đắk Lắk), góp phần tăng khả năng cạnh tranh của nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, có trách nhiệm với xã hội và thân thiện môi trường. 

Về hợp cơ sở hạ tầng thiết yếu, tổng số công trình được Ngân hàng Thế giới không phản đối là 186, trong đó có 147 công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 32 công trình đang được triển khai xây dựng, chỉ còn 7 công trình chưa trao thầu, mang lại lợi ích cho trên 76.000 nông hộ. Theo kết quả đánh giá 72 công trình đường giao thông cho thấy: Xây dựng/nâng cấp được 160km đường giao thông nông thôn phục vụ cho các khu sản xuất nông nghiệp, giảm 71% thời gian vận chuyển sản phẩm nông nghiệp, giảm 24% chi phí vận chuyển, giảm 33% tổn thất sau thu hoạch. 

Tăng cường công nghệ nông nghiệp là một hợp phần quan trọng nhằm nâng cao trình độ sản xuất của nông dân. Ông có thể cho biết rõ hơn về hợp phần này?

Tính đến 30/6/2013, trong tổng số 137 gói nghiên cứu được chuyển giao có 87 gói về nghiên cứu và phát triển công nghệ nâng cao khả năng cạnh tranh, 50 gói về phát triển các phương thức canh tác bền vững, 88 gói nghiên cứu công nghệ hoàn thành hiện đang triển khai 49 gói, trong đó có 17 gói nghiên cứu thành công đã được Ngân hàng Thế giới (WB) không phản đối để nhân rộng, có 46.851 nông dân được đào tạo về công nghệ mới trong nông nghiệp (trung bình trên 500 người/gói), trong đó có 13.006 người (chiếm 28%) đã áp dụng (mục tiêu dự án là 20%) công nghệ mới trên diện tích 5.583ha. 
 

Tập thể Ban điều phối dự án và 8 BQL dự án cạnh tranh nông nghiệp các tỉnh.


So với mô hình đối chứng áp dụng công nghệ cũ cho thấy nông dân áp dụng công nghệ mới đạt năng suất cao hơn trung bình 17% (mục tiêu 10%). Cá biệt, một số chủ đề cho năng suất cao hơn trên 39% so với công nghệ cũ như: mô hình canh tác mật độ cao (ICM) trên lạc vụ xuân ở Nghệ An, mô hình “3 giảm 3 tăng” trên lúa ở Gia Lai...

Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ mới đã giúp các hộ tham gia mô hình tăng 23,5% doanh thu so với công nghệ cũ. 

Phân tích nhanh các mẫu nông sản cho thấy, dư lượng hóa chất phát hiện trong năm 2012 đã giảm 34% (từ 6,13% xuống 4,0%).

Yếu tố tăng chất lượng sản phẩm giúp giá bán cạnh tranh hơn so với các sản phẩm cùng loại là chỉ tiêu mà hầu hết các chủ đề đều thực hiện. Ngoài việc áp dụng đúng quy trình sản xuất tiên tiến, nhiều gói nghiên cứu tập trung vào công nghệ bền vững, thân thiện với môi trường và sản xuất sạch. Đây là xu hướng tất yếu hiện nay để đáp ứng nhu cầu thị trường do người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Các gói nghiên cứu đã và đang thực hiện có đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của chính quyền địa phương và nông dân không, thưa ông?

Có thể nói, tất cả các gói nghiên cứu của dự án đã và đang thực hiện trên địa bàn 8 tỉnh đều là những vấn đề bức xúc, cấp thiết ở địa phương, do ngành chức năng, chính quyền, nông dân và doanh nghiệp đề xuất. Bởi vậy, chúng tôi đã lựa chọn và yêu cầu các đơn vị tư vấn thực hiện gói nghiên cứu phải đáp ứng yêu cầu về thực tiễn và khoa học, phù hợp với phong tục, tập quán canh tác của nông dân ở nhiều vùng miền khác nhau.

Trước khi xây dựng quy trình kỹ thuật, đơn vị tư vấn đã xuống cơ sở điều tra, khảo sát thực trạng về đất đai, mặt nước, tập quán, kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi. Tiếp đến, họ tổ chức tham vấn cộng đồng để biết nông dân trong vùng hưởng lợi cần gì, thiếu gì. Trên cơ sở đó, xây dựng quy trình kỹ thuật cho từng đối tượng cây trồng, vật nuôi cụ thể. Tiếp đến, lựa chọn địa điểm xây dựng mô hình trình diễn để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân.

Trong quá trình chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, đơn vị tư vấn đã điều chỉnh, bổ sung những gì chưa hợp lý, chưa đáp ứng được yêu cầu từ thực tế. Tại các cuộc hội thảo đầu bờ, ngành chức năng của tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn và các nông hộ trực tiếp thực hiện gói nghiên cứu cùng thảo luận, đánh giá quy trình và hiệu quả kinh tế mô hình mang lại. Đơn vị tư vấn tiếp thu và tiếp tục điều chỉnh quy trình cho phù hợp, sau đó mới tổng kết gói nghiên cứu và Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh tổ chức họp để xem xét phê duyệt quy trình kỹ thuật do đơn vị tư vấn thực hiện.

Thực tế thấy, hầu hết năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và hiệu quả kinh tế của các mô hình trình diễn đều cao hơn đối chứng, sản phẩm nông nghiệp có tính cạnh tranh cao hơn trước, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Bởi vậy hầu hết nông dân đều hài lòng với các hoạt động của dự án.

Để dự án phát huy hiệu quả tích cực, ông có đề xuất gì?

Theo tôi, trong thời gian tới, cần đẩy nhanh việc thanh lý, nghiệm thu các gói thầu đã hoàn thành, tiếp tục hỗ trợ mua sắm, giải ngân cho các LMSX, đẩy mạnh công tác đào tạo, thông tin tuyên truyền đối với mô hình đã thành công. Tiếp tục đào tạo nâng cao năng lực cho tổ chức nông dân về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thương hiệu sản phẩm và các quy định của dự án trong quá trình thực hiện LMSX.

Ban quản lý dự án các tỉnh cần đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm tới cộng đồng nhằm nhân rộng mô hình thành công cũng như khuyến nghị tới những người làm chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

 

 

“Việc nhân các mô hình ra diện rộng sau khi dự án kết thúc là hết sức cần thiết. Bởi vậy, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần phải quan tâm hơn đến vấn đề này. Nông dân cũng cần hiểu rằng, Nhà nước đã tạo cho mình “cần câu” để “câu cá”, không nên có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ. Bà con cần mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật đã được chuyển giao vào thực tế, nhằm hạn chế rủi ro, tăng hiệu quả sản xuất...”, ông Đặng Minh Cường nói.

 

Ngọc Diệp (thực hiện)
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 728

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 726


Hôm nayHôm nay : 32645

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1485412

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 74532383