Tính đến thời điểm này, giá heo hơi đã liên tục giữ mức cao được gần 6 tháng, giúp nhiều hộ gỡ gạc lại vốn đầu tư, ổn định sản xuất, góp phần tái cơ cấu ngành chăn nuôi lợn.
Ông Tô Hiến Thành - Giám đốc HTX Chăn nuôi Trường Thành (Hiệp Hòa - Bắc Giang) giới thiệu mô hình nuôi lợn hữu cơ đầu của mình. Hiện HTX có 4 trại lợn thương phẩm, mỗi năm xuất bán khoảng 15.000 con lợn thịt. Ảnh: T.L
Giá heo hơi tăng cao, thương lái tranh nhau mua cả heo xấu
Thứ 7 vừa rồi, gặp mấy ông thương lái mua heo ở Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh), nghe họ kể đang phải giành giật nhau từng con heo mà thấy vừa vui, vừa vuồn. Vui vì sau nhiều tháng phải giải cứu, nay người chăn nuôi đã có thể thở phào vì bán được con heo giá cao.
Mặc dù vậy, đằng sau chuyện giá heo tăng cao lại cho thấy sự bếp bênh, bị động của ngành chăn nuôi heo trước những tác động từ thị trường, thời tiết, dịch bệnh... Tuy có giá trị hàng chục tỷ USD nhưng giá cả luôn biến động thất thường. Nông dân nuôi heo đang từ tỉ phú có thể trở thành trắng tay, "ăn mày" bất cứ lúc nào.
Ông Minh - một thương lái ở Củ Chi cho biết, mỗi ngày ông cần khoảng 150 con heo để giết mổ đưa ra chợ đầu mối nông sản Hóc Môn bán thịt mảnh. Lúc trước nhiều heo thì bắt ở các trại của dân, ít khi bắt heo ở các công ty lớn. Tuy nhiên từ đầu năm 2018 đến nay, lượng heo nuôi trong dân khan hiếm dần, mấy tháng đầu năm còn bắt lai rai ở Củ Chi, Hóc Môn, nhưng từ tháng 4, tháng 5 phải chạy lên Tân Uyên, Bến Cát (Bình Dương), Long Khánh (Đồng Nai) mới có hàng.
Từ tháng 8 đến nay, heo trong các trại của dân bắt đầu cạn, ông Minh và nhiều thương lái phải tìm đến các công ty chăn nuôi lớn như C.P, CJ Vina, Japfa, GreenFeed,... Nhưng để mua được 150 con heo cũng không dễ mà phải giành giật với nhiều thương lái khác nữa.
"Heo bây giờ khan hiếm lắm, quý lắm, chầu chực mãi ở các vựa heo mới mua được nhưng không theo ý mình. Heo xấu, heo tốt phải lấy hết" - ông Minh nói.
Do lợn hơi trong dân không còn nhiều, các thương lái phải chầu chực mua lợn ở các công ty lớn. Được biết, giá lợn hơi xuất bán tại trại của Công ty chăn nuôi C.P chi nhánh Đồng Nai từ 22/9 đã chính thức tăng lên 52.500 - 53.000 đồng/kg đối với tất cả các loại heo. Ảnh minh họa: I.T
Ông Năm Huy, một thương lái khác cho biết thời gian gần đây giá heo hơi biến đổi từng ngày. "Mới hôm trước tôi đặt mua 300 con heo loại 1, trọng lượng 95-100kg/con của 1 công ty ở Long An, chuyển tiền trước 10%. Nhưng khi đưa xe xuống bắt họ chỉ giao cho heo xô (loại 1, 2, thậm chí có cả loại 3), trọng lượng từ 85 - 90kg. Công ty nói không đủ heo, không bắt thì trả tiền cọc lại. Mặc dù heo chất lượng như vậy mổ ra không có lời, nhưng vẫn phải lấy vì mối lái mua thịt ở chợ đầu mối đã đặt sẵn hết rồi, không giao thì mất" - ông Huy cho hay.
Giá còn tăng hết năm nay?
Tại các tỉnh phía Bắc, giá lợn hơi hôm nay đang có dấu hiệu chững lại, một vài nơi giảm nhẹ như Tuyên Quang, giảm từ 52.500 đồng/kg xuống còn 52.000 đồng/kg, Hưng Yên từ 55.000 đồng/kg xuống còn 54.000 đồng/kg; Thái Bình từ 54.000 đồng/kg hiện thương lái thu mua phổ biến ở mức 53.000 đồng/kg.
Mặc dù vậy, người chăn nuôi cho biết đây vẫn là mức giá lợn hơi cao nhất từ tháng 8 đến nay. Cụ thể, tại thủ phủ chăn nuôi lợn của miền Bắc là tỉnh Hà Nam, giá lợn hơi đang ở quanh mức 54.000 đồng/kg.
Trong khi đó, anh Nguyễn Mạnh Toàn, chủ trang trại nuôi gần 100 con lợn ở huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết, giá lợn hơi trên địa bàn hiện đạt 53.500 đồng/kg; lợn cỏ giá thấp hơn, dưới 50.000 đồng/kg.
Giới chăn nuôi heo phân tích, thị trường heo hơi sẽ biến động theo hướng khan hiếm đến hết năm 2018, giá sẽ vẫn còn cao. Đây là hệ quả của việc 1 năm nay người chăn nuôi giảm đàn heo giống do giá giảm quá sâu.
Ông Trần Quang Trung, một chủ trại heo ở Gia Kiệm (Thống Nhất, Đồng Nai) cho biết: "Ai mà cầm cự nuôi heo đến bây giờ lại kiếm ăn được. Bán 1 con heo sẽ có lời hơn 1 triệu đồng, thậm chí có thể lãi tới 2 triệu đồng nếu chăn nuôi khép kín, hao hụt thấp. Bây giờ heo đẹp, heo xấu đều bán được hết, thương lái không chê gì cả".
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn