Ảnh minh họa |
Giá muối tăng cao nên từ mùng 6 Tết Nguyên đán, nhiều bà con diêm dân ở xã Cát Minh đã tranh thủ ra đồng cải tạo đồng muối, sớm hơn từ 1-2 tháng so với các năm trước.
Đáng chú ý, tại các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và TP. Quy Nhơn, hiện đã có hàng chục ha ao đìa nuôi tôm, ruộng muối bỏ hoang đã được cải tạo để làm muối. Theo thống kê, trong vụ sản xuất này, Bình Định có 216 ha ruộng muối đưa vào sản xuất.
Diêm dân các tỉnh ven biển ĐBSCL cũng phấn khởi bước vào thu hoạch muối đầu vụ, do giá muối đang ở mức cao. Theo UBND xã Thạnh Phước (huyện Bình Đại, Bến Tre), hiện muối trắng được thương lái thu mua khoảng 50.000 đồng/giạ, tăng gần gấp đôi so cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với giá tăng, năm nay thời tiết thuận lợi, nắng nóng kéo dài nên muối kết tinh nhiều, trúng hơn các vụ trước, nhờ đó lợi nhuận của diêm dân khá cao. Tại Bạc Liêu, Trà Vinh… nhiều diêm dân cũng phấn khởi khi trúng mùa và trúng giá muối đầu vụ. Theo kế hoạch, vụ muối năm nay sẽ kéo dài đến khoảng tháng 5/013 mới kết thúc.
Theo ông Nguyễn Quang Khải, Phó Giám đốc Công ty CP Muối và Thương mại Miền Trung tại Bình Định, nguyên nhân giá muối đầu vụ ở mức cao là do nhu cầu sử dụng muối dùng làm nguyên liệu chế biến và phụ trợ của các ngành sản xuất công nghiệp trong nước tăng, trong khi nguồn cung đang giảm vì các vụ sản xuất muối vừa qua mất mùa do thời tiết bất lợi.
Giá muối sạch đơn vị đang thu mua hiện ở mức trên 2 triệu đồng/tấn (tại nhà máy); giá muối thường ở mức từ 1,4-1,6 triệu đồng/tấn. Với giá muối như trên, diêm dân có lãi 900.000 đồng/tấn.
Tuy giá muối đang ở mức cao nhưng có khả năng khi vào vụ sản xuất chính sẽ giảm dần. Nếu diêm dân cứ thấy giá muối cao mà ào ạt mở rộng diện tích sản xuất thì rất dễ bị ứ đọng sản phẩm, giá giảm. Chính vì vậy, để giữ giá muối ổn định, bà con diêm dân nên thay đổi tập quán sản xuất, chuyển từ sản xuất muối truyền thống sang sản xuất muối sạch bằng phương pháp trải bạt để tăng chất lượng muối.
Công Trí
Theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn