Theo công văn của Bộ NNPTNT gửi Thủ tướng, Bộ có nhận định ngành chăn nuôi lợn sẽ tiếp tục lao dốc trong những tháng tới, người chăn nuôi tiếp tục trải qua những tháng ngày đen tối khi lợn dư thừa, giá lợn hơi đã giảm dưới 30.000 đồng/kg và khả năng sẽ tiếp tục giảm sâu.
Người chăn nuôi lợn tiếp tục lao đao khi giá lợn hơi giảm dưới 30.000 đồng/kg. (Ảnh chụp tại một trại nuôi lợn ở Đồng Nai) Ảnh: Lê Lâm
Chia sẻ với Dân Việt, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang chờ Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo đề xuất một số giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi của Bộ NNPTNT. Bởi để giải quyết được việc này, mình Bộ NNPTNT không thể giải quyết được, mà cần có các Bộ, ngành khác tham gia, là: Bộ Công Thương, Ngoại giao và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.
Trước mắt, ông Dương cho biết, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã sắp xếp một cuộc gặp với các doanh lớn trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và sản xuất thức ăn chăn nuôi để tìm giải pháp tháo gỡ khẩn cấp cho người nuôi lợn.
Ông Dương cũng cho biết, cuộc họp này sẽ được tổ chức vào chiều thứ Hai tuần sau (24.4) tại trụ sở Bộ NNPTNT. "Giảm giá thức ăn chăn nuôi được coi là giải pháp trước mắt nhằm giảm chi phí cho các hộ nuôi trong bối cảnh giá lợn hơi giảm, lợn dư thừa và người dân vẫn phải tiếp tục duy trì nuôi lợn, nếu giá thức ăn đầu vào vẫn tiếp tục tăng thì người nuôi lợn sẽ không thể chịu đựng được và sớm gục ngã"- ông Dương nói.
Theo ông Dương, hiện nay giải pháp thị trường là rất quan trọng nhất và liên quan đến Bộ Công Thương, giá lợn hơi đã tụt sâu làm nhiều hộ nông dân đứng trước bờ vực phá sản, giải pháp thị trường được đặt ra rất cấp bách. Trong công văn 3046 gửi Thủ tướng, Bộ NNPTNT kiến nghị nhóm giải pháp trước mắt, yêu cầu doanh nghiệp có năng lực dự trữ, chế biến và tiêu thụ nhiều thịt như Vissan, Hapro Hà Nội, Đức Việt, Saigon Coop, Tổng Công ty nông nghiệp Sài Gòn, các đơn vị quân đội… tăng cường thu mua giết mổ cấp đông đối với thịt lợn, thịt gia cầm giết mổ, nhất là trong những tháng mùa hè sắp tới”.
Về đề xuất này, ông Dương cho biết: “Đây là các đơn vị tiêu thụ thịt lợn nhiều và họ có năng lực để tạm trữ thịt lợn cho các hộ nuôi. Đây là đề xuất của Bộ NNPTNT nhưng liên quan đến thị trường ,nên Bộ Công Thương sẽ trực tiếp chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai dự trữ chế biến tiêu thụ thịt lợn”.
Trong nhóm giải pháp trước mắt, Bộ NNPTNT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngân hàng và các tổ chức tín dụng có giải pháp khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi, người kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thú y.
Trao đổi với Dân Việt về đề xuất này, ông Nguyễn Đức Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi chia sẻ: “Đây là việc làm cần thiết trong bối cảnh khó khăn hiện nay, lợn không bán được, vẫn phải bỏ chi phí để duy trì nuôi, nếu không khoanh nợ thì các doanh nghiệp, các hộ nuôi sẽ không tồn tại được”.
Về giải pháp trước mắt, ông Dương cho biết thêm: “Cần dừng các hoạt động tạm nhập tái xuất sản phẩm thịt và phủ tạng từ bên ngoài qua Việt Nam nhằm bảo vệ thị phần cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước, hạn chế rủi ro lây lan dịch bệnh, ngăn chặn nguy cơ “thực phẩm bẩn” quay lại thị trường nội địa. Đây là giải pháp quan trọng, bởi mỗi năm sản phẩm thịt và phủ tạng quá cảnh qua Việt Nam rất lớn, tới gần 3 triệu tấn”.
Trách nhiệm thuộc Bộ Công Thương Sáng nay (20.4) trao đổi về tình trạng lợn dư thừa nhiều trong dân, giá lợn hơi giảm sâu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ NNPTNT đã có đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ. Vấn đề này cũng đã xảy ra từ trước Tết, trách nhiệm trước hết là thuộc Bộ Công Thương. Thanh Xuân (ghi) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn