Trước đây, ít ai nghĩ rằng, có thể trồng cây trái trên vùng cát mặn. Nhưng giờ đây, dọc bên tuyến đường ven biển đi qua các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, ta bắt gặp những cánh đồng rau xanh miên man trên đồi cát trắng. Ngay cả mùa nắng hạn tháng 6, từng luống rau, củ vẫn mọc lên tươi tốt.
Cơ giới hóa sản xuất giúp người nông dân đẩy nhanh tiến độ, tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích.
Chị Nguyễn Thị Anh Thơ, xã viên HTX Dịch vụ tổng hợp Hoàng Chu (xã Cẩm Hòa, Cẩm Xuyên) phấn khởi chia sẻ: “Chỉ cần có đất sản xuất là chúng tôi đủ sức làm nên của cải. Năm 2014, HTX được cấp 3 ha đất và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ công nghệ. Từ đó đến nay, chúng tôi đầu tư hơn 700 triệu đồng để hình thành vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; lợi nhuận hàng năm đạt từ 500 - 700 triệu đồng”.
Khi nông dân được làm chủ trên mảnh đất của mình, họ thỏa sức sáng tạo. Để sản phẩm có chất lượng hơn, nông dân Phạm Quang Hùng (xã Hương Thủy, Hương Khê) đã xay đậu nành, ngô bón cho cây cam. Ông Hùng cho hay, mỗi năm, gia đình chi cả trăm triệu đồng mua các loại hạt tinh bột xay, ủ men rồi dẫn vào hệ thống tưới nhỏ giọt bón cho cam. Các loại hạt, đặc biệt là đậu nành cung cấp lượng đạm lớn, giúp quả ngon, ngọt hơn.
“Hiện gia đình tôi có hơn 16 ha cam, bưởi với hơn 8.000 gốc và hơn 40 ha cây keo. Ngoài ra, còn có 50 con hươu và 100 con lợn rừng. Ước tính, mỗi năm, trang trại cho thu nhập trên 3 tỷ đồng” - ông Hùng chia sẻ.
Nông dân xã Xuân Hồng (Nghi Xuân) thu hàng trăm triệu đồng từ trồng khoai lang đỏ
Tại Cẩm Thành (Cẩm Xuyên), một trong những vựa lúa của tỉnh, bà con nông dân luôn phấn khởi sản xuất, không để lãng phí dù chỉ là một mét vuông đất.
Bà Võ Thị Hương - Trưởng thôn Tân Vĩnh Cần, cho biết: “Trên cánh đồng lúa giống, sang năm 2019, chúng tôi quyết tâm xóa bỏ bờ thửa, sản xuất tập trung cùng một giống, cùng công nghệ trên cùng một cánh đồng. Quyết tâm này của toàn dân trong thôn là do người dân biết liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi được cấp đất sản xuất, chúng tôi đã tìm cách liên kết với doanh nghiệp để tìm kiếm đầu ra. Từ đó, nông dân yên tâm tập trung sản xuất, chăm sóc cây lúa, lợi nhuận tăng lên từng năm, riêng năng suất vụ xuân 2018 đạt trên 4,3 tạ/sào”.
Nói tới sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, đương nhiên, chủ thể phải là người nông dân và tài sản lớn nhất với nông dân từ cổ chí kim chính là ruộng đất. Khi được làm chủ ruộng đất, người nông dân Hà Tĩnh đã phát huy tính sáng tạo, tinh thần cần cù, chịu khó; tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng cây trồng, đẩy lùi nghèo đói, nông thôn từng bước phát triển.
HTX sản xuất và dịch vụ tổng hợp Hoàng Chu (Cẩm Hòa, Cẩm Xuyên) gần như quanh năm sản xuất và thu lợi từ củ cải trắng trên đất cát bạc màu
Theo số liệu từ Sở NN&PTNT, trong lĩnh vực trồng trọt, đến nay, Hà Tĩnh có 38.500 ha lúa hàng hóa, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt hơn 75 triệu đồng/ha. Sản xuất cây ăn quả có múi đạt gần 10.000 ha, liên tục được mùa, được giá, thị trường tiêu thụ tốt, đưa lại thu nhập khá cao cho người dân. Chuỗi liên kết trồng chè công nghiệp toàn tỉnh đạt trên 1.200 ha (trong đó có trên 600 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP).
Ngoài ra, địa phương đã hình thành 41 vùng rau truyền thống theo hướng VietGAP; phát triển chuỗi liên kết trồng ngô sinh khối với diện tích hàng nghìn ha… Những kết quả từ lĩnh vực trồng trọt đã góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, mang lại giá trị kinh tế cao.
Bà Nguyễn Thị Nhuần - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, khi được làm chủ ruộng đồng, người nông dân sẽ làm chủ kỹ thuật, công nghệ, từ đó chủ động đầu tư, tìm kiếm thị trường, giải quyết việc làm và tạo thu nhập. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động đẩy nhanh tiến độ cấp, cho thuê đất để nông dân yên tâm sản xuất, làm giàu chính đáng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn